Thị trường bán lẻ châu Âu sụt giảm

Cập nhật 24/09/2009 11:30

Viễn cảnh tương lai thị trường bán lẻ ở khu vực châu Âu trong hai năm tới đây đang khá mờ mịt khi diện tích mặt bằng bán lẻ mới được khai trương trong năm nay đã giảm hẳn so với năm ngoái.

Báo cáo về tình hình phát triển các trung tâm mua sắm ở châu Âu mới được công ty Cushman & Wakefield công bố cho thấy, sẽ có khoảng 7 triệu mét vuông diện tích bán lẻ mới được mở cửa trên toàn lãnh thổ châu Âu trong năm 2010 tới đây và con số đó trong năm 2011 có thể chỉ là 5 triệu mét vuông, đó là những con số thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2003.

Ông Alexander Colpaert, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu của Cushman & Wakefield nói: “Năm 2010 những trung tâm mua sắm mới được hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ giảm khoảng 45% so với thời kỳ thị trường đạt đỉnh năm 2007”.

Năm 2009 được dự đoán sẽ có 8,7 triệu mét vuông diện tích bán lẻ mới được đưa vào hoạt động, điều này đồng nghĩa với mức giảm 5% so với năm ngoái và xu hướng giảm vẫn còn đang diễn ra.

Nhiều nhà phân tích cho rằng lượng diện tích mặt bằng bán lẻ sẽ không tăng lên trong ít nhất là hai hoặc ba năm nữa.

Lượng diện tích mặt bằng bán lẻ mới được đưa vào sử dụng lớn nhất là ở CHLB Nga với khoảng 580.000 mét vuông trong sáu tháng đầu năm 2009, theo đó riêng ở thủ đô Matxcova diện tích bán lẻ mới mở cửa đã chiếm tới 45%.

Còn ở khu vực Tây Âu, Italy được ghi nhận là quốc gia có diện tích mặt bằng bán lẻ mới mở cửa lớn nhất với 370.000 mét vuông thuộc 18 trung tâm mua sắm được tung ra thị trường.

Đức và Hà Lan cũng được xem là những quốc gia có thị trường bán lẻ sôi động trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, Bulgaria được ghi nhận là có mức tăng diện tích bán lẻ lớn nhất với 33% nhưng trung tâm mua sắm vừa mở cửa có diện tích lớn nhất ở châu Âu (122.000m2) lại thuộc về Dolce Vita Tejo ở Amadora, Bồ Đào Nha.

Ông Justin Taylor, giám đốc phụ trách phát triển của Cushman & Wakefield ở Anh quốc nói: “Tình hình ở nước Anh thì không mấy khả quan, việc phát triển thị trường bán lẻ ở đây hiện gặp nhiều khó khăn do những chính sách thắt chặt tiền tệ đang được áp dụng”.

Báo cáo kết luận: “Mặc dù hoạt động đầu tư ở Đông Âu đã có những dấu hiệu ổ định nhưng đó chỉ là sự “ổn định ảo” và thị trường Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha đã có một vài những dấu hiệu tích cực. Những gì đang diễn ra cho thấy phải sau ít nhất hai năm tăng trưởng thì hoạt động đầu tư ở phân khúc thị trường bán lẻ của châu Âu mới thực sự đi vào ổn định”.


DiaOcOnline.vn - Theo Đô Thị