Tháo ngòi khủng hoảng nhà đất Mỹ: Chưa có phép màu

Cập nhật 19/02/2008 11:00

Cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu “chạm đáy”, sau khi giá nhà đất ở nước này vẫn giảm và các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới đầu tư vào các loại cổ phiếu hay giấy tờ có giá liên quan tới nhà đất vẫn chưa thể thoát ra khỏi mớ bòng bong.

Trong lúc Chính phủ Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm cứu vãn nền kinh tế tránh rơi vào suy thoái thì các số liệu về thị trường nhà đất Mỹ mới được công bố vẫn cho thấy những khó khăn vẫn ở phía trước...

Standard & Poor's (S&P), cơ quan đánh giá tín nhiệm tín dụng hàng đầu của Mỹ và thế giới, vừa đưa ra bản báo báo về tình hình mua bán nhà đất tại 10 thành phố lớn ở Mỹ cho thấy, giá nhà đất đã giảm kỷ lục 8,4% trong tháng 11/2007, và là tháng thứ 11 liên tiếp giá nhà đất Mỹ giảm.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm 2007, việc kinh doanh nhà mới ở Mỹ đã giảm kỷ lục 26,4%, với chỉ 774.000 ngôi nhà mới được bán, đây là mức tồi tệ nhất kể từ năm 1991.

Một báo cáo khác của S&P cũng cho thấy, tỷ lệ siết nợ nhà đất ở Mỹ tăng cao kỷ lục năm 2007 khi có rất nhiều người mua nhà, chủ nhà cảm thấy họ không có đủ khả năng để trả tiền vay hay tái cơ cấu tài chính, vì nhà cửa đã mất giá thảm hại.

Theo Realty Trace, website chuyên theo dõi tình hình siết nợ nhà đất ở Mỹ, hơn 1,3 triệu ngôi nhà hiện đang nằm trong diện bị ngân hàng siết nợ. Hơn 1% các chủ nhà ở Mỹ đã nằm trong quá trình bị siết nợ trong năm 2007, so với khoảng 0,5% trong năm 2006.

Rick Sharga, Phó chủ tịch phụ trách Marketing của Realty Trace cho biết, với hơn 1,8 triệu ngôi nhà thuộc đối tượng phải chịu tỷ lệ trả tiền vay tăng lên trong năm 2008 và 2009, viễn cảnh cho thị trường nhà đất Mỹ vẫn rất ảm đạm và con số nhà bị thu hồi sẽ tiếp tục tăng lên.

“Con số này thật đáng thất vọng và cho thấy, đáy của cuộc khủng hoảng này vẫn chưa tới”, David Blitzer, Giám đốc điều hành của S&P cho biết. “Hy vọng vào mùa mua sắm, là khoảng thời gian giữa mùa Xuân và mùa Hè, cộng với việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của FED, tình hình may ra mới khả quan hơn”, ông Blitzer nói.

Các ngân hàng cho vay cũng gặp nhiều khốn đốn. Countrywide Financial, ngân hàng cho vay cho lĩnh vực nhà đất lớn nhất ở Mỹ, tuần qua đã công bố một báo cáo tài chính với mức thua lỗ khoảng 422 triệu USD trong quý IV/2007, khi có rất nhiều chủ nhà đã mất khả năng chi trả tiền vay mua nhà. Tiếp bước danh sách vốn đã dài dằng dặc của các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực nhà đất gặp khó khăn, Countrywide Financial trong tháng này đã đồng ý “bán mình” cho Bank of America với giá khá mềm 4,3 tỷ USD.

Bất chấp việc lãi suất cho vay đã được FED liên tục cắt giảm và khoản tiền cứu trợ hơn 100 tỷ USD đã được bơm vào thị trường tài chính toàn cầu nhằm tăng tính thanh khoản, các nguồn cung tín dụng vẫn rất eo ẹp trong bối cảnh các ngân hàng vẫn chưa hết lo ngại về những nguy cơ hay rủi ro thua lỗ tiếp theo đối với các khoản tín dụng xấu trong lĩnh vực nhà đất.

Hiện một phần tư số nhà ở Mỹ được mua bằng vay mượn ngân hàng đang gặp khó khăn trong giao dịch, bất chấp giá cả đã xuống rất thấp, điều khiến nhà đầu tư các loại cổ phiếu bất động sản có liên quan thiệt hại hàng tỷ USD. Các ngân hàng cho vay và nhà đầu tư hiện đã mất giá trị tương tương 100 tỷ USD và không rõ con số này sẽ lên tới bao nhiêu.

Việc kinh doanh nhà đất ở Mỹ bùng nổ từ năm 2002 đến năm 2006 và đã tạo ra những khoản lợi nhuận kếch sù cho các nhà môi giới, ngân hàng, công ty đánh giá tín nhiệm và nhà đầu tư, những người đã mua cổ phiếu hay giấy tờ có giá liên quan tới lĩnh vực này.

Vào thời kỳ hoàng kim, các ngân hàng sẵn sàng cho vay tín dụng mua nhà với những điều khoản cực kỳ đơn giản, thậm chí không cần chứng minh thu nhập hay tiết kiệm gì, và có những trường hợp chỉ cần tín chấp. Các khoản vay cũng được thông qua theo yêu cầu lãi suất của chủ nhà, những người thậm chí không có nhu cầu chuyển tới nhà mới mua.

Theo các nhà phân tích, trừ khi có một phép màu chặn đứng làn sóng siết nợ, thị trường nhà đất Mỹ mới có thể thoái khỏi tình trạng ảm đạm hiện nay. Được biết, lãi suất cho vay mua nhà ở Mỹ đã giảm mạnh cuối năm 2007 và đầu năm 2008, tuy nhiên không có một dấu hiệu nào cho thấy, cuộc khủng khoảng nhà đất này đã được tháo ngòi.

>Ngân hàng Mỹ hợp sức cứu thị trường bất động sản.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán