Thiên Tân được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng để hồi sinh khu vực miền Bắc Trung Quốc.
Thành phố Thiên Tân - Trung Quốc. Ảnh: Denvos
|
Nhân viên an ninh Zhang Zhenhua chưa bao giờ quên được những ngày đầu khi anh mới đến làm việc tại khu tổ hợp khách sạn, nhà ở, văn phòng cao cấp ở thành phố Thiên Tân năm 2014.
Anh không khỏi choáng váng khi tưởng được nhận nhiệm vụ ở một khu nhà ở cao cấp nhưng cuối cùng khi đến, anh chỉ thấy xung quanh mình cảnh tượng hoang vắng đến lạnh người.
Bước chân vào khu tổ hợp, xung quanh anh là rất nhiều những khu nhà ở cao tầng đẹp, thiết kế sang trọng nhưng hoàn toàn không có người ở. Và cùng lúc đó vẫn còn quá nhiều tòa nhà chưa được hoàn thành. Nhiều khi đứng cả ngày anh cũng không gặp bất kỳ ai.
Nơi anh làm việc chính là quận Xiangluowan thuộc thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Các công ty xây dựng đã đầu tư rất nhiều vào khu vực với hy vọng biến nó thành Manhattan của Trung Quốc.
Nhiều năm qua, báo chí quốc tế đã viết về các “thành phố ma” kiểu này tại Trung Quốc. Người ta coi nó như minh chứng cho những dự án hạ tầng đầy rủi ro và nỗ lực đô thị hóa vội vàng của Trung Quốc.
Những ngày giữa năm 2017, mọi chuyện đã khác xưa rất nhiều. Những tòa nhà chọc trời, tòa nhà văn phòng, khách sạn suốt bao nhiêu năm không có người ở nay đã có nhiều người chuyển đến làm việc và sinh sống, theo tìm hiểu và ghi nhận mới nhất của phóng viên Bloomberg.
Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích đưa nhiều người đến đây sống để giúp hồi sinh lại khu vực được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng để hồi sinh khu vực miền Bắc Trung Quốc.
“Các tòa nhà khách sạn, văn phòng hiện không kín chật người nhưng số người đến sống đang ngày một đông hơn. Đáng lạc quan, có nhiều doanh nghiệp và người dân tự đến đây chứ không phải do chính phủ khuyến khích”, giám đốc điều hành tại công ty bất động sản Jones Lang LaSalle, ông Michael Hart, phân tích.
Tại quận Binhai thuộc thành phố Thiên Tân, nhiều công ty tư nhân đang đến mở văn phòng tại các tòa nhà văn phòng trống. Ngoài ra còn rất nhiều các tập đoàn lớn thuộc chính phủ Trung Quốc ví như tập đoàn hóa chất China National Chemical, tập đoàn đa ngành China Poly Group Corp cũng đang mở thêm văn phòng tại đây.
Thế nhưng việc làm sao để các tòa nhà văn phòng, chung cư tại khu vực từng được coi là “thành phố ma” này kín người đến sống và làm việc không hề đơn giản. Khi mà còn quá nhiều tòa nhà bị bỏ trống thì cùng lúc đó nguồn cung bất động sản ra thị trường vẫn tiếp tục quá dồi dào.
Hiện nay tỷ lệ văn phòng trống tại Thiên Tân lên đến 40%, thế nhưng sẽ có chuẩn bị có thêm 300 nghìn mét vuông sàn chuẩn bị được tung vào thị trường, theo tính toán của công ty bất động sản Savills. Còn theo ước tính của công ty bất động sản CBRE, 1,26 triệu mét vuông sàn bất động sản văn phòng sẽ được giới thiệu đến thị trường trong năm nay và năm 2018.
Dù vậy, sự khởi sắc của một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự phát triển bong bóng của thị trường bất động sản cũng khiến giới chức Trung Quốc không khỏi lạc quan hơn.
Chính phủ Trung Quốc đang đặt nhiều tham vọng vào dự án “Một vành đai, một con đường” để kết nối các tuyến đường thương mại chạy khắp châu Á, kết nối với châu Âu và châu Phi. Với vị thế một thành phố cảng, Thiên Tân chắc chắn hưởng lợi rất nhiều từ dự án một khi nó thành hiện thực.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch kết nối Thiên Tân chặt chẽ hơn với thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc Trung Quốc để tạo nên đại đô thị quy mô 100 triệu dân.
Khu vực ven biển Bohai thuộc thành phố Thiên Tân sẽ phát triển bùng nổ với hàng loạt các khu công nghiệp mới và đồng thời đó cũng là khu vực tập trung các tuyến đường xe lửa kết nối Thiên Tân và các nước Đông Âu.
Nằm cách Tokyo khoảng nửa giờ tàu cao tốc, thành phố 14,7 triệu dân này đã được chính phủ Trung Quốc chấp thuận cho phép mở khu vực tự do thương mại vào năm 2014 để thu hút đầu tư. Hãng máy bay Airbus đã mở nhà máy lắp ráp toàn bộ phần thân máy bay tại đây từ gần một thập kỷ trước.
Chính quyền thành phố hiện có kế hoạch kêu gọi tổng khoảng 14,5 tỷ USD vốn đầu tư để khuyến khích vốn phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao và kỹ thuật hàng không.
Chính sách trải thảm đỏ mời nhà đầu tư của chính quyền Thiên Tân đã giúp đầu tư tăng chóng mặt. Năm 2016, chỉ riêng các công ty đến từ Bắc Kinh đã rót 170 tỷ nhân dân tệ vào thành phố Thiên Tân.
Ngành ngân hàng Thiên Tân cũng rất cố gắng hợp sức với chính quyền thành phố để điều tiết vốn vay cho các chương trình đầu tư phát triển. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất công nghệ cao, năng lượng sạch, cho thuê tài chính để giúp giảm thiểu tình trạng thừa mứa thép được hỗ trợ tín dụng.
Nhờ tất cả các chính sách trên, kinh tế của Thiên Tân phát triển tốt hơn so với phần lớn các tỉnh khác. Quý đầu tiên của năm nay, kinh tế Thiên Tân tăng trưởng được 8% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn rất nhiều so với con số 6,9% trung bình toàn Trung Quốc.
Tổng GDP của thành phố đứng 19 trong 31 tỉnh thế nhưng GDP bình quân đầu người cao nhất nước, thành công của Thiên Tân khiến bất kỳ tỉnh nào trong Trung Quốc cũng phải “ngước nhìn”.
Và nay, khi các dự án “thành phố ma” đang trong quá trình hồi sinh, sẽ còn nhiều lý do để hy vọng vào tương lai.
DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE