Thành phố 'ma' lớn nhất Trung Quốc

Cập nhật 20/03/2012 08:05

Sự hoang vu của thành phố Ordos là hậu quả của bong bóng bất động sản tại Trung Quốc.

Ở trung tâm thành phố Ordos, có một bức tượng lớn của Thành Cát Tư Hãn ở trước cửa Genghis Khan Plaza. Bức tượng này được bao quanh bởi những tòa nhà khổng lồ, bên cạnh còn có hai chiến mã to lớn huơ chân trước lên không trung, làm cho hình ảnh vị tướng huyền thoại trở nên nhỏ bé.

Thế nhưng, bức tranh mênh mông hùng vĩ này lại thiếu mất một nhân vật – đó là con người. Và đấy chính là lý do vì sao Ordos được gọi là thành phố ma lớn nhất Trung Quốc.

Ordos - Thành phố ma lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: BBC

Phần lớn các tòa nhà mới được xây dựng ở đây đều không có người ở hoặc chưa hoàn thành. Đây là minh chứng cho việc bong bóng bất động sản ở Trung Quốc đã vỡ.

Câu chuyện bắt đầu từ cách đây 20 năm, khi việc khai thác than ở Nội Mông bùng nổ. Các công ty khai mỏ tư nhân đổ xô đến vùng thảo nguyên xanh tươi, phá hủy cảnh quan ở đây bằng những lỗ khoan sâu hoắm và những đường hầm dài vô tận.

Nông dân địa phương đua nhau bán đất cho các công ty mỏ và giàu lên nhanh chóng. Thành phố Ordos bắt đầu phát triển rực rỡ khi tiền đổ vào như nước. Và rồi chính quyền địa phương cũng bắt đầu mơ mộng. Họ đề ra các kế hoạch phát triển thị trấn mới cho hàng trăm nghìn cư dân, trọng tâm là Genghis Khan Plaza.

Tuy nhiên, chỉ 10 năm sau, Ordos đã trở thành thành phố "ma". Đây chính là bằng chứng xác đáng nhất cho hiện tượng mới ở Trung Quốc: Rất nhiều thành phố bỏ hoang, hàng loạt các căn hộ không bán được, các tòa nhà thì trống không và cửa hiệu thì chẳng có ai thuê

Các chuyên gia tài chính phương Tây vẫn luôn lo ngại về khả năng vỡ bong bóng bất động sản tại Trung Quốc. Họ chỉ ra rằng kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xây dựng nhà ở nhiều hơn cả kinh tế Mỹ trước khi cơn sốt vay dưới chuẩn nổ tung vào năm 2007.

Giới chức địa phương ở nước này có vẻ như ngày càng phụ thuộc vào nguồn tiền thu được từ việc bán đất cho các nhà đầu tư. Trong mắt của những người chỉ trích, bong bóng nhà đất ở Trung Quốc đúng là một thảm họa.

Vì thế, chính quyền Bắc Kinh đã để tâm đến những lời cảnh báo từ bên ngoài và đang có những động thái gay gắt để kiềm chế nạn mua nhà đầu cơ trong hai năm qua. Tuy nhiên các nhà bình luận kinh tế Trung Quốc vẫn tin tưởng rằng những người đã đưa Trung Quốc phát triển liên tục trong 30 năm sẽ sớm cân bằng được cung - cầu trong thị trường nhà đất.

Thái độ lạc quan này có thể thấy rất rõ ràng ở một cặp đôi đang chọn mua căn hộ tại một công trường dở dang rộng mênh mông. Họ quyết định mua nơi này để đầu tư, mặc dù ngày giao nhà liên tục bị lùi.

Người Trung Quốc mới chỉ được phép tự do mua bán nhà đất trong khoảng 25 năm trở lại đây. Và vì vậy, nhu cầu dồn nén bấy lâu đang được thỏa mãn khi công cuộc đô thị hóa đã khiến hàng triệu người đổ xô đến các thành phố.

Thế nhưng, giờ người ta lại có nhiều nỗi lo khác. Ông Li, một cư dân Ordos, là một điển hình. Ông trở nên giàu có khi được chính quyền địa phương mua lại đất và dùng số tiền đền bù để đầu tư vào các tổ chức tài chính tư nhân địa phương.

Tại Trung Quốc có những thị trường vốn chợ đen chuyên cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp tư nhân không thể vay được tiền từ ngân hàng nhà nước.

Tổ chức tài chính mà ông Li gửi tiền vào thường đầu tư vào bất động sản và trả lãi cho ông ba tháng một lần, với lãi suất khoảng 40% mỗi năm. Ông Li đã rót vào những tổ chức đó hơn 1 triệu USD. Trong 2 năm họ trả hết, nhưng từ năm ngoái việc trả lãi bắt đầu thưa dần, rồi sau đó, một trong những tổ chức đó biến mất.

Câu chuyện này đã trở nên rất quen thuộc ở Trung Quốc khi nhiều nhà tài phiệt nổi tiếng phải ra hầu tòa vì các gian lận tài chính khổng lồ. Người phụ nữ giàu thứ 68 của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với án tử hình vì những mô hình bà điều hành suốt từ những năm bà 20 tuổi.

Giờ đây, có vẻ như ít nhất một nửa số tiền của ông Li đã biến mất. Là một người Nội Mông, ông cho biết mình rất tức giận trước sự việc xảy ra vào năm ngoái. Nhưng giờ ông chỉ có thể than thở: “Chúng tôi đã từng giàu có và giờ thì lại thành nghèo rồi”.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress