Singapore là quốc gia có kinh tế phát triển vượt bậc, khi GDP đứng hàng đầu tại châu Á và đứng thứ ba trên thế giới. Dù là một quốc gia rất nhỏ nhưng người Singapore lại chiếm một tỷ lệ tỷ phú không thua kém các nước lớn trên thế giới. Đó chỉ là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao người Singapore lại đầu tư vào lĩnh vực BĐS ra nước ngoài.
Hình minh họa.
|
Tại hội thảo “BĐS Việt Nam - Cơ hội vươn ra thế giới” do Batdongsan.com.vn và Property Guru tổ chức chiều ngày 29/8 tại Hà Nội, ông Anson Tay, Trưởng bộ phận thị trường toàn cầu đến từ PropNex cho biết: Chính phủ Singapore từ năm 2013 đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh thị trường BĐS theo tiêu chí hạ nhiệt làm nguội, tạo đông thông qua hình thức đánh thuế trước bạ gia tăng đối với cư dân mua nhà đất, chống đầu cơ BĐS. Theo đó, khi người dân mua sản phẩm nhà đất đầu tiên thì mức thuế là 7%, khi mua nhà đất thứ hai thì mức thuế là 10%, còn khi sở hữu ngôi nhà thứ 3 thì mức thuế là 15%. Tức là người dân càng có nhiều BĐS, mức đóng thuế sẽ càng tăng lên.
Song song với việc tăng thuế, người dân và chủ đầu tư dự án BĐS tại Singapore bị thắt chặt và hạn chế nguồn tín dụng từ các tổ chức tín dụng.
Ông Tay cũng phân tích: 95% người dân Singapore ở tại các căn hộ chung cư có mức giá 350 nghìn USD /căn hộ do Chính phủ hỗ trợ. Các chung cư này tận dụng chiều cao nhưng hạn chế mặt đất. Còn đối với chung cư tiện ích có bể bơi, khu vui chơi giải trí, công viên thì mức giá khoảng 1 triệu USD. Như vậy, với lượng tiền mặt sẵn có, bắt đầu với 350 triệu USD, người dân Singapore có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư biệt thự nhà phố tại nước ngoài, với khả năng sinh lợi tốt hơn nếu so sánh với tỷ lệ lãi suất đầu tư lĩnh vực khác như cầm cố đạt 1%, lãi suất 1,5 %, lạm phát 2%...
Môi trường làm việc tại Singapore rất tất bật, đất thì quý hiếm và đắt, giá lại cao, thanh niên làm việc vất vả để kiếm tiền mua nhà. Theo xu hướng tư tưởng giàu có, người dân Singapore có nhu cầu lớn đi nghỉ ngơi, thư giãn, du lịch tại các nước khác. Họ cũng muốn cho con cái của mình được hưởng môi trường giáo dục tránh căng thẳng. Những người già khi nghỉ hưu thì họ sẽ chọn lựa nghỉ ngơi ở quốc gia khác có chi phí sinh hoạt rẻ hơn, cảnh quan đẹp hơn.
Mặt khác, do đất nước nhỏ, Singapore phải nhập ngoại nhiều loại hàng hoá, thực phẩm nên giá trị đồng đôla Singapore tương đối ổn định và mạnh, không bị trượt giá nhiều so với các đồng đôla khác trên thế giới.
Cùng quan điểm, ông Lewis Ng, Giám đốc điều hành Property Guru cũng nêu ra xu hướng lớn đang định hướng cho thị trường BĐS Đông Nam Á là thu nhập và của cải của mọi người tăng lên. Người dân thịnh vượng hơn, tầng lớp trung lưu, thượng lưu có nhà đất và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thời gian qua, các giao dịch BĐS của các nhà đầu tư Singapore ở nước ngoài năm 2013 là 1.600 tỷ đôla Singapore và có thế tăng lên trong thời gian tới.
Giới nhà giàu Singapore đầu tư tại các thành phố hạng nhất tại các quốc gia phát triển nhất thế giới (Anh, Úc, Mỹ, Pháp, Hong Kong…) với giá trị BĐS từ 400 nghìn USD trở lên. Còn các nhà đầu tư nhỏ hơn tìm đến sở hữu BĐS tại các thành phố hạng hai như Kualalampur (Malaisia), Bangkok (Thái Lan)…
Đánh giá về triển vọng đầu tư vào BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư đến từ Singapore. Bởi Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các biện pháp nâng đỡ thị trường này như cho phép chia nhỏ căn hộ, điều chỉnh cơ cấu hàng hoá BĐS, tạo chính sách hỗ trợ cho vay tài chính với chủ đầu tư và người mua nhà.
Thị trường BĐS Việt Nam tăng trưởng tích cực, giao dịch tăng nhanh 8 quý liên tiếp. Giá cả không giảm, thị trường Hà Nội và TP HCM đều tăng nhẹ. Tồn kho BĐS giảm, giảm hơn 50% tại thời điểm quý I/2013. Dư nợ BĐS tại ngân hàng tăng lên và các chủ đầu tư tập trung phát triển dự án có diện tích nhỏ, giá dưới 2 tỷ đồng đổ lại, phục vụ người dân thu nhập trung bình.
Ông Nguyễn Mạnh Hà nhận định: Pháp luật về lĩnh vực này như Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở được sửa đổi có nhiều nội dung đổi mới, sẽ có tác động mạnh đến thị trường BĐS. Bên cạnh đó, các Luật Đất đai, Luật Đầu tư kinh doanh mở hơn, thông thoáng hơn. Nhà đầu tư nước ngoài được tạo điều kiện tương tự như doanh nghiệp trong nước trong hoạt động đầu tư, trừ một số hạn chế nhất định. Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được mở rộng cửa chào đón, với mức lợi nhuận hấp dẫn trung bình đảm bảo đạt đến trên 7%/năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng