Seoul sẽ là đô thị hấp dẫn nhất thế giới?

Cập nhật 26/04/2010 15:45

“Các thành phố trên toàn thế giới đang bước vào một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Chúng tôi phải cạnh tranh không chỉ về khoa học công nghệ, chi phí so sánh, mà hơn nữa về sức hấp dẫn” - thị trưởng Seoul Oh Se Hoon nói.

Dưới sự lãnh đạo của ông, chính quyền thành phố đã dành 100 triệu USD ngân sách hằng năm để thực hiện các công trình kiến trúc kỳ vĩ.


Công trình chiếu sáng thác nước nhân tạo trên một cây cầu bắc qua sông Hàn - Ảnh: visitseoul.net

Điển hình nhất là dự án khôi phục sông Hàn, với các công trình lộng lẫy hai bên bờ sông, những cây cầu hoành tráng và nhiều công trình lớn khác tô điểm cho dòng sông chảy giữa thành phố. Dự án còn bao gồm nhà hát nhạc giao hưởng và opera khổng lồ có mái phản quang gợn sóng được xây dựng trên một cồn đất giữa sông. Các trung tâm hội thảo tráng lệ trên ba hòn đảo nhân tạo cũng đang được khẩn trương triển khai.

Phía bắc sông Hàn là một khu đất dành sẵn cho quảng trường và công viên Dongdaemun Design, một tòa nhà màu xanh cobalt do kiến trúc sư Iraq - Anh Zaha Hadid thiết kế để tạo điểm nhấn cho cả Seoul. Tại những nơi khác, kiến trúc sư lừng danh Daniel Libeskin đang thiết kế “Dreamhub” (tòa nhà trong mơ), một khu phức hợp thương mại và dân cư với nhiều tòa tháp tái hiện hình ảnh vương triều cũ của Triều Tiên. Cách đó không xa là thành phố Digital Media, với một tòa nhà chọc trời cao 640m, dành riêng cho các công ty công nghệ số và kỹ thuật cao.

Thị trưởng Oh nói những công trình đó sẽ cần các khoản đầu tư lên tới nhiều tỉ USD, nhưng sẽ mang tới cho thành phố những hình ảnh biểu tượng như khi nhắc tới Paris, người ta nghĩ ngay đến tháp Eiffel.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với ông. Những người chỉ trích cho rằng chi phí bỏ ra quá lớn và chỉ là bức bình phong che đậy cho nhiều vấn đề chưa được giải quyết của thành phố. Chẳng hạn, công trình thác nước cầu vồng mặt trăng trên cầu Banpo ở phía nam Seoul, một phần của dự án khôi phục sông Hàn.

Theo Joong Ang Daily, mỗi ngày dự án ánh sáng nước trên cầu Banpo tiêu tốn lượng điện đủ cho 300 hộ dân sử dụng. “Một thác nước mới, lộng lẫy chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của người dân hơn việc cải tạo một con đường có sẵn, sửa các đèn tín hiệu giao thông hay lát lại vỉa hè. Vì thế, các chính trị gia thường lựa chọn xây các thác nước để thể hiện sự thành công của họ. Nói cách khác, các thác nước hiện đang bị sử dụng sai mục đích và bị lạm dụng” - Kim Min Soo, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, nói với Joong Ang Daily.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO