Mặc dù tỉ lệ phải trả theo định kỳ của các khoản vay thế chấp bằng bất động sản hiện nay của Hong Kong (Hồng Công, Trung Quốc) thấp hơn nhiều so với năm 1997, nhưng rủi ro liên quan tới thị trường nhà đất không vì thế mà nhỏ hơn so với năm 1997.
Cầu cao khiến giá bất động sản ở Hong Kong tăng mạnh. |
Nhận định trên vừa được Cục trưởng Cục Quản lý Tài chính Hong Kong Trần Đức Lâm đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng Lập pháp Đặc khu ngày 19/11 với lý do chủ yếu là không gian tăng lãi suất hiện nay khá lớn.
Theo ông Trần Đức Lâm, tỉ lệ phải trả theo định kỳ của các khoản vay thế chấp bằng bất động sản hiện nay của Hong Kong chỉ chiếm 50% thu nhập của người đi vay, thấp hơn nhiều so với mức 109% của năm 1997.
Tuy nhiên, vào năm 1997, lãi suất chỉ là 1,2% và trong sáu năm rưỡi điều chỉnh sau khi bong bóng bất động sản vỡ, lãi suất đã hạ xuống mức 0,9%, làm giảm áp lực tài chính đối với người đi vay.
Từ đầu năm tới nay, theo bà Vương Mỹ Phượng Tổng Giám đốc Bộ phận Môi giới Nhà đất thuộc Tập đoàn Bất động sản Trung Nguyên, giá nhà ở Hong Kong đã tăng gần 17,5%, cao hơn khoảng 10% so với mức đỉnh thiết lập vào năm 1997.
Điểm khác biệt trong thị trường bất động sản năm 1997 và năm 2012 là do tác động của dòng tiền nóng, không gian tăng lãi suất của năm 2012 lại khá lớn, chính vì thế rủi ro từ bất động sản tăng cao.
Thống kê cho thấy, từ trung tuần tháng 10 tới nay, Cục Quản lý Tài chính Hong Kong đã phải 10 lần can thiệp vào thị trường để giữ cho tỉ giá đồng HKD ổn định ở mức 7,75 HKD đổi được 1 USD với tổng số tiền bơm vào thị trường là 32,2 tỉ HKD.
Cộng thêm việc từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp Hong Kong đã phát hành lượng trái khoán ngoại tệ tương đương 20 tỉ USD, nhu cầu đối với đồng HKD tăng lên rõ rệt.
Áp lực lạm phát có thể làm gia tăng không gian tăng lãi suất cơ bản và hệ quả sẽ khiến áp lực tài chính đè nặng lên vai người đi vay mua nhà, làm rủi ro liên quan tới thị trường nhà đất trong năm 2012 khó có thể nhỏ hơn so với năm 1997.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin Tức