Rủi ro gia tăng trên thị trường bất động sản Thụy Sĩ

Cập nhật 06/08/2013 14:49

Những rủi ro trên thị trường bất động sản Thụy Sĩ gia tăng trong quý 2/2013 làm dấy lên những lo ngại về tình trạng quá nóng của thị trường nhà đất của nước này.

Ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ cho biết chỉ số bong bóng bất động sản Thụy Sĩ đã tăng 1,2 điểm trong quý 2 vừa qua, so với 1,17 điểm trong quý 1/2013. Theo chỉ số của UBS, cứ trên 1 điểm thị trường bất động sản bị coi là rủi ro và trên 2 điểm là biểu hiện bong bóng. Nếu xu hướng này tiếp tục, Thụy Sĩ sẽ chạm đến ngưỡng “bong bóng” trên thị trường bất động sản vào cuối năm 2014.

Giá các căn hộ và nhà riêng ở Thụy Sĩ liên tục tăng trong mấy năm gần đây nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) khiến lãi suất thế chấp rất thấp và tỷ lệ vay nợ của các hộ gia đình ở Thụy Sĩ gia tăng.

SNB đã duy trì lãi suất chuẩn ở mức 0% kể từ tháng 8/2011 và cũng tháng Chín năm đó ấn định tỷ giá hối đoái giữa đồng franc và đồng euro ở mức 1,2 franc/euro nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi cuộc khủng hoảng từ các nước láng giềng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trên thị trường, mức lãi suất vay cố định trên 10 năm vào khoảng 2-2,6%/năm, còn mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ có 1%. Chính vì thế người dân không ngần ngại đầu tư để có thể mua nhà khi mà giá trị của chúng không ngừng tăng.

Theo chuyên gia Matthias Holzhey và Claudio Saputelli tại ngân hàng UBS ở Zurich, những rủi ro lại gia tăng khi mà chỉ số bong bóng bất động sản chưa được kiểm soát. Rất có thể chỉ số này sẽ tiếp tục tăng trong những quý tới do hiện tượng đầu cơ bất động sản. Ngoài ra, nhu cầu mua nhà xuất phát từ một bộ phận những người nhập cư có kỹ năng ở các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (EU).

Trong tuyên bố của UBS, những khu vực bị coi là đặc biệt rủi ro bao gồm Zurich, Geneva, Lausanne, Lucerne và Zug. Thụy Sĩ đã từng bị rơi cuộc khủng hoảng nhà đất trong thập kỷ 1990 khi các ngân hàng cho vay mua nhà tới 100% giá trị mà không đòi hỏi thế chấp.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Thông tấn xã Việt Nam