“Quả bóng” bất động sản Canada dịu lại

Cập nhật 14/04/2014 10:27

Trái với suy đoán của nhiều chuyên gia về việc quả bóng bất động sản (BĐS) Canada sẽ ngày một phình to, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2014, những tín hiệu “dịu lại” của thị trường nhà ở đã dần lộ rõ khi tốc độ phát triển nhà ở và cấp giấy phép xây dựng đã bắt đầu chậm lại.


Theo tổ chức cung cấp thông tin và tư vấn về thị trường BĐS Canada - Canada Mortgage and Housing Corp (CMHC), trong tháng 3/2014, thị trường nhà ở Canada đã bước đầu giảm giá, giảm thanh khoản so với kỳ vọng ban đầu, số lượng giấy phép xây dựng được cấp ra cũng giảm mạnh, cho thấy tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường này đang dần chững lại.

Cụ thể, thị trường nhà ở Canada đã giảm 17,7%, với 156.823 giao dịch trong tháng 3/2014 (được điều chỉnh theo mùa hàng năm), thấp hơn so với con số dự đoán của các nhà kinh tế học là 191.000 giao dịch. Trước đó vào tháng 2, giao dịch nhà ở cũng đã có dấu hiệu đi xuống với 190.639 giao dịch, giảm nhẹ so với con số dự đoán 192.094, theo số liệu của CMHC.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Canada, tổng giá trị xây dựng theo giấy phép xây dựng được cấp ra tại thị trường địa ốc nội địa trong tháng 2/2014 là 6,1 tỷ USD, giảm 11,6% so với tháng trước và thấp hơn 2,7% so với dự đoán, theo số liệu thăm dò của Tạp chí Reuters. Nguyên nhân của đà giảm mạnh xuất phát từ mục tiêu xây dựng nhà ở dành cho nhiều hộ gia đình bị thu hẹp dần ở tất cả các địa phương trên lãnh thổ Canada.

“Cú giảm sâu của thị trường nhà ở vào tháng 3 có thể có một phần liên quan đến yếu tố thời tiết, nhưng nhìn vào bức tranh lớn hơn có thể thấy, hoạt động xây dựng nhà ở Canada bắt đầu chậm lại và đi vào ổn định”, nhà kinh tế học Robert Kavcic ở BMO Capital Markets nói và cho rằng, với đà đi xuống của thị trường nhà ở như hiện nay, số lượng giao dịch sẽ dừng lại ở mốc 180.000 giao dịch/tháng trong một vài năm tới.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 và sự sụp đổ của thị trường địa ốc Hoa Kỳ không làm hãm đà tăng nóng của BĐS Canada trong 5 năm qua, khi giá nhà ở tại đây vẫn không ngừng tăng, bất chấp những động thái can thiệp của Chính phủ Liên bang nhằm thắt chặt quy định cho vay thế chấp. Toronto, Vancouver và Calgary liên tục lọt vào Top 50 thành phố tốt nhất trên thế giới có thể đầu tư BĐS lâu dài, đánh bật những đối thủ sừng sỏ như London, New York, hay thậm chí là Chicago.

“Các thành phố của Canada sở hữu rất nhiều động lực kinh tế. Nhiều người chỉ quan tâm đến những khoản đầu tư BĐS với rủi ro và lợi nhuận ngắn hạn. Nhưng chúng tôi tin rằng, nếu bạn nhìn một cách tổng thể về khả năng thích ứng và cải thiện trong tương lai, mọi thứ sẽ khác”, nhà kinh tế học Richard Barkham nói trong buổi Hội nghị Viện đất đô thị Canada tuần qua.

Đà tăng trưởng chóng mặt của thị trường địa ốc khiến các nhà kinh tế học lo ngại về nguy cơ thị trường này sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm khác lại cho rằng, giá nhà ở và giấy phép xây dựng mới sẽ chững lại trong khoảng thời gian 2014 - 2015 khi lãi suất thế chấp tăng lên.

“Chúng tôi kỳ vọng hoạt động xây dựng nhà ở sẽ tiếp tục giảm, tạo thế cân bằng với tốc độ hình thành những hộ gia đình mới”, nhà kinh tế học Nick Exarhos ở CIBC World Markets nói.

Mặc dù không thể phủ nhận Canada luôn nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng BĐS mạnh mẽ và ổn định nhất trên thế giới, song vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng trong cách tiếp cận thông tin về thị trường. Chẳng hạn, những tin tức liên quan đến giới hạn đầu tư của những chủ đầu tư nước ngoài ở thị trường căn hộ, hay vấn đề phân phối tài sản thế chấp theo điểm số tín dụng…, gần như không thể đáp ứng đầy đủ và chi tiết so với các quốc gia lân cận như Hoa Kỳ, dẫn đến những đánh giá trái chiều, đồng thời mang đến những cái nhìn lệch lạc, gây hoang mang cho khách hàng.

“Sẽ tốt hơn nếu chúng ta có nhiều  thông tin hơn về khoản nợ cá nhân và thị trường thế chấp”, nhà kinh tế học Craig Alexander ở Ngân hàng đa quốc gia của Canada Toronto - Dominion Bank nói.

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư chuyên ngành BĐS John Andrew ở Trường đại học Queen cho rằng, cung cấp thông tin đầy đủ là một bước rất cần thiết. Theo đó, các ngân hàng hãy hành động trước tiên, mà cụ thể là Ngân hàng Thương mại Canada Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC).

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán