Trên khắp châu Âu và Mỹ, trong khi giá nhà xuống thê thảm thì giá đất nông nghiệp lại tăng mạnh mẽ. Điều đó được cho là khi nông sản càng tăng giá thì đất nông nghiệp càng thu hút nhiều nhà đầu tư.
Giá ngày càng tăng
Chỉ trong năm qua, giá đất nông nghiệp ở Mỹ tăng 14%. Ở Anh, giá đất nông nghiệp đã vượt ngưỡng 10.000 bảng/ha, tăng 27% trong vòng một năm... Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Đức (DB), có 3 nguyên nhân chính giải thích tình trạng này:
1. Việc sử dụng nhiên liệu sinh học ngày càng tăng, nhiều vùng đất trồng trọt được chuyển sang trồng bắp và đậu nành làm nguyên liệu chế nhiên liệu sinh học.
2. Sự phát triển đô thị với cơn sốt bất động sản diễn ra thời gian qua, đặc biệt ở Tây Ban Nha và Mỹ, làm diện tích nhiều vùng đất nông nghiệp bị thu hẹp.
3. Các nước Đông Âu gia nhập Liên minh châu Âu, từng bước mở cửa thị trường, cho phép người nước ngoài được sở hữu đất đai, vốn có giá thấp hơn giá trung bình, khiến các nhà đầu tư, kinh doanh trang trại, nhất là từ Anh, đổ xô đến Ba Lan, Bulgaria, thậm chí cả Nga, làm cho giá đất nông nghiệp ở những nước này tăng chóng mặt (như ở Ba Lan tăng tới 60% trong vòng 2-3 năm).
Người Ireland và Đan Mạch cũng đổ sang trồng cấy ở Anh, nơi chi phí sản xuất nông nghiệp thấp hơn ở nước họ, khiến giá đất nông nghiệp ở Anh cũng tăng theo...
“Bong bóng” thị trường?
Trong tình hình ảm đạm của thị trường tài chính thế giới, không ít nhà đầu tư cho rằng đầu tư vào đất là chắc ăn. Nhiều ngân hàng, công ty đầu tư đã lập các quỹ chuyên kinh doanh đất nông nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư...
Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường không hoàn toàn nhất trí điều đó. Theo John Lipsky, Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhiên liệu sinh học là nguyên nhân khiến giá bắp tăng 70%, giá đậu nành tăng 40%. Mỗi năm, Mỹ trợ cấp đến 6 tỷ USD cho công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học.
Chỉ cần chính sách thay đổi sẽ bất lợi cho các nhà sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư. Nhiều người tự hỏi, liệu đang có “bong bóng” trên thị trường đất nông nghiệp?
Theo Sài Gòn Giải Phóng