Tình trạng phát triển quá nóng của ngành bất động sản khiến Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều khu đô thị, thành phố ma, hàng loạt căn hộ bị bỏ trống khi giới đầu cơ bị mắc kẹt. Tuy nhiên, tình trạng này lại mở đường cho một trào lưu kinh doanh bất động sản mới của giới đầu tư Trung Quốc.
Kể từ năm 2012, với sự xuất hiện lần đầu tiên của 4 hãng cung cấp dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn, làn sóng những nhà phát triển nội địa Trung Quốc lấn sân sang lĩnh vực cho thuê nhà ở bắt đầu tăng lên nhanh chóng. Đồng thời, giá thuê nhà ở những thành phố của Trung Quốc cũng liên tục tăng mạnh trong vòng 24 tháng, trong đó Bắc Kinh và Thượng Hải là 2 thành phố đắt đỏ nhất trong việc cung cấp dịch vụ cho thuê nhà, theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Trung Quốc.
Trong khi đó, phân khúc cho thuê nhà dài hạn dù đã có mặt trên thị trường Trung Quốc từ lâu, song chưa thực sự trở nên phổ biến ở những thành phố nhỏ, nơi sản phẩm nhà ở còn nghèo nàn. Hơn nữa, chủ nhà còn mang tâm lý e ngại, không muốn cho thuê do sợ ý thức sử dụng bừa bãi của người đi thuê, khiến tình trạng nhà bị hư hỏng và xuống cấp nhanh chóng.
“Ý tưởng cho thuê nhà trong thời gian ngắn đang được nhiều người ủng hộ và đón nhận. Cũng giống như khái niệm ‘đi chung xe’, dần dần người ta sẽ cảm thấy dễ chịu với việc cho thuê tài sản khi chưa có nhu cầu sử dụng đến”, Chen Chi, Giám đốc website Xiaozhu.com, một trang web tương tự như kênh chia sẻ thông tin cho thuê nhà Airbnb của Mỹ nói.
Kể từ khi mở cửa vào năm 2011, trang Xiaozhu chào đón hơn 5.000 chủ nhân đăng tin cho thuê, với hơn 20.000 căn nhà ở nhiều thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Nam Kinh, Thanh Đảo, Trùng Khánh, Tây An…
Trong khi đó, một số website chuyên về mua bán bất động sản khác như sublet.cn, rentdigs.com, hay shenzhenrent.com cũng hướng mục tiêu đến những nhà phát triển bất động sản nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Với kỳ vọng thu nhập từ việc cho thuê nhà giúp nhu cầu cho thuê nhà của những người sở hữu 2, 3 căn nhà, nhất là những nhà đầu tư bị “kẹt hàng” tăng lên, nhiều tập đoàn phát triển bất động sản Trung Quốc đã đẩy mạnh tham gia vào hình thức kinh doanh mới mẻ này. Cụ thể, vào tháng 6/2014, tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc Vanke đã ký kết hợp đồng với Công ty Tujia.com trong việc cung cấp dịch vụ cho thuê những căn nhà nghỉ dưỡng khi chủ nhân không dùng đến. Hiện tại, Tujia đang quản lý 90.000 căn nhà với đối tượng mục tiêu là khách du lịch nội địa.
Trào lưu cho thuê nhà ngắn hạn cũng góp phần thay đổi thái độ của bộ phận nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc, khi trước đây, họ luôn tìm cách bán tài sản, thay vì cho thuê. Cách đây một vài năm, chứng kiến giá nhà trung bình tại 35 thành phố Trung Quốc tăng hơn gấp 3 lần trong khoảng thời gian 10 năm, từ năm 2000 - 2010, nhiều nhà đầu cơ đã dốc tiền vào kênh bất động sản và thu về khoản lợi nhuận kếch xù trong chớp mắt. Tuy nhiên, khi đà tăng nóng của bất động sản chững lại và có dấu hiệu bóng bóng xì hơi, nhiều nhà đầu tư không kịp thoát ra.
Theo điều tra của Khoa Kinh tế và Tài chính, thuộc Đại học Tây Nam Trung Quốc, cơn sốt mua nhà ồ ạt giai đoạn trước năm 2008 dẫn đến hậu quả cứ 5 căn nhà, thì có 1 căn bị bỏ trống, thậm chí nhiều tòa nhà chung cư và biệt thự tại đây luôn trong tình trạng không người ở.
7 tháng đầu năm 2014, doanh số bán nhà toàn Trung Quốc giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2013, xuống còn 2.980.00 tỷ nhân dân tệ. Trước tình trạng số nhà bỏ trống nhiều, một số thành phố của Trung Quốc bắt đầu đưa vào thử nghiệm phương thức thuê bất động sản hàng năm trước khi áp dụng rộng rãi toàn quốc. Điều này buộc một số nhà đầu tư phải thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển sang cho thuê ngắn hạn để quay vòng vốn.
Với việc giá cho thuê ngắn hạn cao hơn dài hạn, cũng như khoảng thời gian cho phép người thuê nhà lưu lại căn nhà/căn hộ tối đa 3 tháng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể linh động trong việc kiểm soát tài sản của mình, phương thức này dự kiến sẽ ngày càng phát triển ở thị trường bất động sản Trung Quốc.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản