Có ý kiến cho rằng thị trường nhà đất ở Mỹ cũng như nhiều nước trên
thế giới đang trong giai đoạn tái định hình, nhưng thực tế thị trường
này vẫn quay cuồng trong cơn khủng hoảng.
Ở nhiều nơi trên đất Mỹ, cũng như Châu Âu người ta dự báo giá nhà đất sẽ còn tiếp tục xuống bất chấp những dấu hiểu tích cực của kinh tế Mỹ mới công bố cuối tháng 8 vừa qua.
Chưa vội mua vào
Thị trường bất động sản Mỹ vừa trải qua một cơn chấn động mạnh, nhưng trong một báo cáo mới nhất được các tạp chí Mỹ đăng tải thì lúc này vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp cho việc mua vào.
Đơn giản vì bất chấp những tin tức lạc quan về tăng trưởng kinh tế Mỹ trong tháng 8 đạt tới 3,1% - tức là vượt ra mức kỳ vọng 1,6% của giới kinh tế.
Nhưng với những con số thất nghiệp, suy giảm trong lĩnh vực ôtô, trong tiêu dùng của 70% dân số Mỹ thì xem ra việc lên giá trở lại của khu vực nhà đất vẫn còn quá mơ hồ!
Theo báo cáo điều tra được tờ World Street đăng tải, con số thất nghiệp mới cho người Mỹ từ nay tới cuối năm có thể lên tới 9.000, tức khoảng 5,5% vào tháng 12 tới.
Đây là con số bất ngờ so với mức mất việc trung bình khoảng 4,8% ở cao điểm hiện nay, và cũng là tin tức vĩ mô không mấy tốt đẹp cho thị trường vừa trải qua cơn bão.
Tại Châu Âu, giá nhà cũng giảm mạnh sau nhiều năm phát triển đến nỗi: "Giá nhà còn giảm tới bao giờ?" là những từ ngữ ám ảnh người dân London trong những tháng ngày qua.
Người ta đổ lỗi cho những yếu kém trong tín dụng bất động sản, giá nhà quá cao so với thu nhập, cho đầu cơ, sự mong manh của thị trường, đà giảm của kinh tế thế giới là nguyên nhân dẫn tới sự mất giá của thị trường này.
Và nếu nhìn vào các điểm đó, thì xem ra tới lúc này chưa có khuyết tật nào được khắc phục: khu vực tài chính vẫn đang rối bời, kinh tế thế giới vẫn ảm đạm, còn đầu cung vẫn bị chặn do đầu cơ không chấp nhận lỗ nhả hàng.
Rõ ràng là thị trường nhà đất vẫn đang thế giằng co, và lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp để cho những người mua mới quyết định. Lên hay xuống, mua hay bán theo các chuyên gia còn phải đợi tới cuối năm, khi mọi con số thực sự rõ ràng hơn.
Châu Á cũng im theo
Tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản dưới tiêu chuẩn ở Mỹ, Châu Âu. Nhưng rõ ràng, Châu Á trong đó có cả hệ thống ngân hàng vững mạnh nhất ở Nhật Bản cũng đang bị những tác động lan truyền.
Nhiều kế hoạch mở rộng phát triển tín dụng, dầu tư sang Châu Á của các đại gia tài chính Mỹ, Châu Âu bị ngừng lại. Hệ thống ngân hàng Châu Á đang bình yên trong cơn sóng gió ở Mỹ, nhưng họ cũng bị mất những đòn bẩy cần thiết cho phát triển.
Ở Nhật Bản người ta đã tính tới những giải pháp mới khi các đối tác phương Tây đổ vỡ. Ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam ưu tiên của chính sách lúc này là chống lạm phát. Và cuộc chiến này khiến họ không còn tâm trí cũng như sức lực để đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản.
Có hay chăng đó chỉ là sự tăng trưởng mạnh mẽ ở các vùng mới, ví như Việt Nam. Nơi mà giới đầu tư đánh giá cơ hội để tiền đổ vào bất động sản sinh lời là quá lớn.
Chính vì thế, giới đầu tư bất động sản quốc tế đang chạy đua về Việt Nam, đẩy FDI chảy vào Việt Nam, và đặc biệt là chảy vào khu vực BĐS lên tới kỷ lục.
Cuộc đua đang trong giai đoạn nước rút, khi các dự án mới đang mở ra, nhưng song hành với đó là sự cảnh giác của các nhà lập pháp trước tài nguyên không tái sinh của đất nước.