Đến 90% bờ biển Phuket là do người nước ngoài sở hữu - Ảnh: goway.com |
Nhiều người Thái lo ngại trước tình trạng người nước ngoài đang sở hữu nhiều đất du lịch ở nước này. Tờ Bangkok Post trích một báo cáo cho biết khoảng 90% diện tích bãi biển Phuket hiện đang do người nước ngoài sở hữu bằng cách nhờ người Thái đứng tên.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các tỉnh nổi tiếng về du lịch như Chiang Mai và Rayong.
Báo cáo về tình trạng sở hữu đất của người nước ngoài của Quỹ nghiên cứu Thái Lan cho biết nhiều quan chức địa phương và chuyên gia pháp lý đã tìm cách giúp các nhà đầu tư nước ngoài né luật để sở hữu các vùng trồng lúa và bất động sản ở các khu du lịch này.
Thời gian gần đây đã có nhiều thông tin về việc nhiều công ty Trung Đông mua lại các ruộng lúa thông qua hình thức thế chân của những người Thái ở địa phương. Một số nông dân Thái giờ đang phải thuê lại đất mà họ từng sở hữu (vì đã bán cho người nước ngoài).
Các vùng đất được các nhà đầu tư nước ngoài để ý nhất là Pattaya ở tỉnh Chonburi, Koh Phangan và Koh Samui ở Surat Thani, Phuket, và Hua Hin ở Prachuap Khiri Khan. Có bằng chứng cho thấy nhiều người tìm cách sở hữu đất bằng cách cưới người Thái ở địa phương.
Trong nhiều trường hợp, nhiều phụ nữ Thái được nhờ đứng tên đất do người nước ngoài sở hữu. Một số trường hợp được thực hiện dưới hình thức cho thuê đất nhưng hợp đồng thuê đất có thời hạn dài bất thường, nhiều trường hợp là hợp đồng “suốt đời”. Bản báo cáo nói một số trưởng thôn đóng vai “cò” đất để sắp xếp việc bán đất nhà nước cho người địa phương.
Đại tá Surin Pikulthong, chủ tịch Viện Phát triển tổ chức cộng đồng, nói ông nhận được thông tin một số người ở Mỹ đã cung cấp tài chính cho người Hmong ở tỉnh Nan để mua đất, trồng gạo xuất khẩu sang Mỹ. Ở vùng khác, các nhà đầu tư Đài Loan mua đất để trồng cam. Cơ quan điều tra đặc biệt (DSI) của Thái đang điều tra bốn công ty Thái đang sở hữu khoảng 1.600ha đất trồng lúa thuộc diện bị nghi ngờ.
Bà Malee Antasin, 59 tuổi, ở huyện Bang Ban của tỉnh Ayutthaya, nói các doanh nhân đã mua rất nhiều đất ở làng bà kể từ năm 1995. Hiện bà cảm thấy mình như bị buộc phải bán miếng đất của mình khi xung quanh đã bị “bao vây” bởi các mảnh đất do các thương nhân sở hữu.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO