Ngành khách sạn Trung Quốc phát triển bùng nổ

Cập nhật 19/05/2011 14:55

Đến năm 2015, Trung Quốc sẽ có khoảng 100 triệu khách du lịch nước ngoài, con số lớn nhất thế giới, con số này cao hơn cả số khách đến Pháp, địa điểm du lịch quốc tế số 1.

Olympic Bắc Kinh 2008 và Hội chợ quốc tế Thượng Hải năm 2010 đã mang đến cơ hội phát triển cho ngành khách sạn Trung Quốc.

Hiện nay, tăng trưởng của ngành có thể nhìn thấy rõ tại các thành phố cấp 2 và cấp 3, thành phố mà người Mỹ chưa bao giờ biết tới, nhưng đó là nơi ngày một nhiều người Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu và đến đây ở qua đêm vì lý do công việc hay nghỉ ngơi, có nhiều người ở khách sạn lần đầu.

Ông William Dong, chủ tịch kiêm CEO tại công ty Best Western China hiện đang có 31 khách sạn tại Trung Quốc và đặt kế hoạch xây thêm 41 khách sạn khác trong tương lai, nói: “Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh, kể cả tại một số thành phố nhỏ thuộc tỉnh, tôi tin thị trường bất động sản rất có tiềm năng tại những nơi này.”

Người Trung Quốc hiện nay không chỉ đi du lịch khắp đất nước, dừng chân tại 2 địa điểm yêu thích bao gồm Hồng Kông và Macao, hai địa điểm nghỉ ngơi và đánh bạc nổi tiếng, họ còn đặt tua đi du lịch nước ngoài.

Đến năm 2020, số lượng các chuyến du lịch nước ngoài của Trung Quốc sẽ tương đương với Mỹ và quy mô thị trường du lịch nội địa lên tới 3,9 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương khoảng 590 tỷ USD (theo nghiên cứu của Boston Consulting Group - BCG).

Ông Vincent Lui, chuyên gia tại BCG cũng như từng làm tác giả cho một báo cáo gần đây về thị trường du lịch Trung Quốc, dự báo: “Nhu cầu du lịch sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới.”

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường đầy tiềm năng với các công ty khách sạn phương Tây. Công ty đầu tiên gia nhập thị trường này là Starwood Hotels & Resorts Worldwide với khách sạn Great Wall Sheraton ở Bắc Kinh.

Hiện nay Starwood cho biết họ có 75 khách sạn tại Trung Quốc và có kế hoạch bổ sung thêm khoảng 25 khách sản lên mức hơn 100 khách sạn trong từ nay đến cuối năm 2011. Đối với Starwood, thị trường khách sạn Trung Quốc có quy mô lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ.

BCG dự báo trong thập kỷ tới, khoảng 100 triệu gia đình Trung Quốc sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu, kiếm được khoảng 5.000 nhân dân tệ tương đương 800USD/tháng. Nhóm này sẽ đi du lịch nội địa. Một khi họ kiếm được 10.000 nhân dân tệ (1.600USD/tháng) họ sẽ đến Macao hay Hồng Kông. Và khi kiếm được 20.000 nhân dân tệ (3.200USD/tháng), họ du lịch ra ngoài Trung Quốc.

Đến năm 2015, Trung Quốc sẽ có khoảng 100 triệu khách du lịch nước ngoài, con số lớn nhất thế giới, con số này cao hơn cả số khách đến Pháp, địa điểm du lịch quốc tế số 1 thế giới.

Giống như bất kỳ người du lịch nước nào, người Trung Quốc trước tiên đi du lịch trong Trung Quốc và sau đó đến châu Á, và sau đó đến các địa điểm xa hơn. Tại Shangri-La ở Maldives thuộc khu vực miền Nam Sri Lanka, khoảng 30% khách đến từ Trung Quốc.

Yếu tố quan trọng nhất đằng sau sự bùng nổ khách sạn tại Trung Quốc nằm ở sự phát triển không chỉ tại các địa điểm mang tính cửa ngõ như Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Hiện nay khoảng 180 thành phố của Trung Quốc có hơn 1 triệu dân. Cơ sở hạ tầng (đường cao tốc và sân bay) đã phát triển, vì thế nhu cầu ở cũng lên cao hơn.

Tất nhiên, các hoạt động trên khiến người ta không khỏi lo lắng về khả năng ngành khách sạn của Trung Quốc tăng trưởng quá nóng. Quản lý Dong thuộc Best Western cho rằng công suất phòng tại các khách sạn hạng sang đang giảm bởi nguồn cung quá lớn.

Một số chuyên gia khác lạc quan thận trọng về tương lai của ngành khách sạn Trung Quốc. Ông Tuner thuộc Starwoord nói: “Sẽ mất vài năm mới hấp thụ được hết nguồn cung. Thế nhưng phần lớn chủ sở hữu khách sạn Starwood tại Trung Quốc có tiềm lực tài chính tốt, họ không vay nợ nhiều để xây khách sạn.”

Dù triển vọng trong ngắn hạn đối với các khách sạn Trung Quốc như thế nào, rõ ràng cuối cùng người du lịch Trung Quốc đã đến.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN