Thị trường nhà đất từng là nhân tố dẫn đầu, kéo Mỹ thoát khỏi 7 trong 8 cuộc suy thoái tính từ 1960 cho đến nay. Lần này, chính nó có thể sẽ trở thành tội đồ khiến nền kinh tế Mỹ không thể hồi phục được.
Doanh số bán nhà sụt giảm sau khi ưu đãi thuế cho người mua nhà hết hạn hồi tháng Tư. Và nền kinh tế cũng bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Từ khi đó, với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng, còn đơn đặt hàng sản xuất ngày một ít dần.
Theo bà Celia Chen, một chuyên gia kinh tế của Moody’s Analytics, thì “Nếu các vụ tịch thu nhà tiếp tục tăng và tạo sức ép giảm giá bất động sản, nền kinh tế sẽ lại bị đẩy vào suy thoái.”
Tiêu dùng vào xây dựng nhà ở và đồ nội thất chiếm tới 15% GDP của Mỹ trong Quý II. Giá trị bất động sản cũng ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng khác. Khi giá nhà tăng, người dân có thể nhờ vào bất động sản của mình để có thể vay và tiêu dùng nhiều hơn vào xe ô tô và các chuyến đi nghỉ. Tuy nhiên khi giá giảm, người sở hữu nhà mất đi “bệ đỡ”, đành phải cắt giảm chi tiêu.
Bản báo cáo về doanh số bán nhà cũ tháng Bảy sẽ được công bố vào ngày mai (25/8). Theo một cuộc khảo sát do Bloomberg tiến hành, con số này có thể sẽ giảm 12,9% so với tháng Sáu, mức giảm sâu nhất của năm nay. Doanh số bán nhà mới cũng sẽ được công bố cùng ngày.
Hiện tại, số người Mỹ thất nghiệp hiện là 14,6 triệu người, và trong số đó rất nhiều người đang phải vật lộn để giữ lấy căn nhà của mình. Theo dự báo của RealtyTrac Inc., số vụ tịch thu nhà có thể lên tới 1 triệu vụ trong năm nay.
Nỗ lực của chính phủ liên bang dường như không đem lại kết quả mấy. Chương trình hỗ trợ nợ thế chấp Home Affordable Modification Program đã đem lại 1,31 triệu khoản hỗ trợ, tuy nhiên thì tính đến hết tháng Bảy đã có 48 % số này bị hủy.
Trong quý I, số nhà đã bị tịch thu và chuẩn bị đem rao bán là 7,3 triệu căn. Khi tất cả được đưa ra thị trường, giá sẽ giảm còn người mua thì sẽ tiếp tục đợi những giá tốt hơn.
Một chiến lược gia của Janney Montgomery Scott LLC, ông Guy Lebas, nhận định “Điều duy nhất có thể cứu được thị trường nhà ở là giải pháp đối với vấn đề dư thừa nguồn cung và tình trạng thất nghiệp.”
Tính từ đỉnh cao hồi tháng 7/2006 cho đến tháng 4/2009, giá nhà tại Mỹ đã giảm 33%. Đến 2012, giá còn có thể tiếp tục giảm thêm 20% nếu suy thoái lần hai thực sự xảy ra. Tăng trưởng GDP của Mỹ quý vừa rồi đạt dưới 1,5%, và có thể chỉ đạt 1,3% quý đầu năm sau. Chi tiêu tiêu dùng tăng 1,6% trong quý II, thấp hơn mức tăng 1,9% của quý trước. Trong đó, tiêu dùng vào đồ nội thất và đồ gia dụng giảm 1,7%. Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức gần 0%, và đã chi 1,47 nghìn tỷ USD để mua trái phiếu, nhằm kích thích tốc độ phục hồi.
Trong một thông báo của mình, Fed cho biết “Chi tiêu của khu vực hộ gia đình đang tăng, tuy nhiên vẫn còn bị kiềm chế bởi tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng thu nhập khiêm tốn, giá bất động sản giảm và các điều kiện tín dụng nghiêm ngặt.”
Theo PMI Group Inc., xây dựng nhà và bán bất động sản đã giúp Mỹ thoát khỏi 7 cuộc suy thoái tính từ 1960 đến nay. Tính trung bình thì doanh số bán nhà mới đã cải thiện khoảng 8 tháng trước khi nền kinh tế thực sự tăng trưởng. Tuy nhiên thì điều này không xảy ra ở cuộc suy thoái vừa rồi. Trong vòng 8 tháng trước khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi vào nửa cuối 2009, có đến 5 tháng doanh số bán nhà mới tụt dốc. Hiện tại, người mua nhà Mỹ thì vẫn tiếp tục chờ đợi, một phần là chờ giá nhà tiếp tục giảm, một phần là vì con đường phía trước của nền kinh tế vẫn còn mờ mịt.
DiaOcOnline.vn - Theo Stox