Sau một thời gian sống trong dinh thự mơ ước ở California, ông Hiroshi mới phát hiện diện tích ngôi nhà không giống như trên quảng cáo lúc ông xem khi ký hợp đồng mua nhà.
Ông Hiroshi Horiike mất 2 năm để tìm cho được một căn nhà mơ ước ở California (Mỹ), một ngôi nhà đặc biệt đến mức quê hương Trung Hoa đại lục của ông không thể có được nhà kiểu như vậy.
Kỳ công mua được ngôi nhà trong mộng
Sau khi kiểm tra hơn 80 bất động sản trong khu vực Los Angeles do công ty chuyên tư vấn bất động sản Coldwell Banker dẫn mối, ông Hiroshi trả 12,25 triệu đô-la tiền mặt mua một ngôi nhà lớn tại Malibu, thành phố ven biển giàu có ở miền Tây quận Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Dĩ nhiên dinh thự Malibu của ông có tầm nhìn tuyệt đẹp hướng ra biển, có 4 phòng ngủ, 6 nhà tắm, 1 hồ bơi, 1 spa, nhà khách rộng hơn 2 ha; và toàn bộ ngôi nhà tuân thủ thiết kế theo kiểu Tuscan nắng gió, mộc mạc nhưng sang trọng.
Ông Hiroshi Horrike tại dinh thự của mình ở thành phố biển Malibu, California (Mỹ) cùng 3 chú chó nuôi trong nhà có tên Jiji (chú chó màu đen), Shogun (chú chó lông xám) và Samurai (chú chó lông sáng màu, ngoài cùng bên phải ảnh). Ảnh: Bloomberg
|
Ông Hiroshi Horrike là một triệu phú quốc tịch Trung Quốc. Ông nhận tên Hiroshi từ khi trưởng thành. Một tuần sau khi dọn vào ở trong dinh thự Malibu, ông phát hiện ra dinh thự không lớn như điều khoản ghi trong hợp đồng. Diện tích thực tế của dinh thự vào khoảng gần 890 m2, trong khi con số này trong hợp đồng và trong cuốn quảng cáo căn hộ từ bên bán - lớn gấp đôi con số thực. Bên bán nhà cho ông Hiroshi là một tổ chức khác, đối tác của công ty Coldwell Banker.
Ông Hiroshi phát hiện ra bị lừa và đâm đơn kiện cả bên bán lẫn phía môi giới. Nếu vụ này bị làm căng, số tiền phạt của phía môi giới có thể lên tới hàng chục nghìn đô-la.
"Một vấn đề tiêu cực trong mua bán căn hộ xa xỉ sẽ không đủ lớn để trở thành cơn ác mộng tiềm tàng của cả ngành công nghiệp", ông Dana Tsubota, một luật sư ở Oakland, California cho biết. Ông Dana thường đại diện cho các nhà kinh doanh bất động sản và phía đầu tư, ông không đảm nhận vụ kiện tụng của ông Hiroshi.
"Nhưng việc thực thi một quyết định trên giấy tờ đến thực tế thường mất cả quãng dài. Hiện tượng 1 cá nhân/đơn vị đứng ra đảm nhận vai trò đại diện cho cả bên mua và bên bán ký kết hợp đồng trong giao dịch bất động sản gọi là "đại diện kép". Tôi sẽ ngạc nhiên nếu phía môi giới tiếp tục giữ vai trò "đại diện kép"", ông Dana nói.
Các vấn đề của những thương vụ "đại diện kép" phát sinh khi cả người bán nhà và mua nhà làm việc cùng với 1 bên môi giới. Tại Mỹ, chỉ có duy nhất 4 bang Florida, Colorado, Kansas và Wyoming cấm "đại diện kép" trong các giao dịch bất động sản. Trong khi đó, hầu như ở các bang khác trên đất Mỹ, trong đó có cả California, cho phép giao dịch có "đại diện kép", yêu cầu phải công khai những thông tin cần thiết theo quy định của Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc (National Association of Realtors).
California là bang chiếm 10% doanh thu bất động sản năm ngoái tại Mỹ. Gần đây nhất, thống đốc California Jerry Brown đã ký biên bản bắt buộc những thương vụ có "đại diện kép" phải có nghĩa vụ công khai những yêu cầu cần thiết như trong các thương vụ bất động sản thương mại.
Số lượng các giao dịch có "đại diện kép" đang tăng tiến nhanh khi những công ty môi giới như Coldwell Banker (công ty này cũng mở trụ sở văn phòng tại TP HCM), Realogy Holdings Corp. và công ty Berkshire Hathaway HomeServices của tỷ phú Warren Buffett chiếm lĩnh thị phần ngày càng lớn trên toàn cầu. Họ đặc biệt sẽ xuất hiện trong những thương vụ mua bán loại bất động sản trị giá hàng triệu đô-la.
Trong vụ của ông Hiroshi, ông này kiện công ty Coldwell Banker và công ty bất động sản Chris Cortazzo, phía bán dinh thự Malibu, vì quảng cáo sai sự thật, kinh doanh thiếu lành mạnh và vi phạm trách nhiệm được ủy thác.
Ông Hiroshi khẳng định mình đã phung phí khoảng hơn 5 triệu đô-la và yêu cầu được bồi thường vì thông tin sai lệch của dinh thự Malibu. Cả Coldwell Banker và Chris Cortazzo đều là những tên tuổi số 1 trong ngành bất động sản ở thành phố Malibu, thành phố có nhà của nhiều sao Hollywood và những nhà tư bản trong ngành công nghiệp giải trí, nằm trải dài trên 21 dặm dải bờ biển Thái Bình Dương.
Ông Hiroshi vốn sinh trưởng trong một gia đình trí thức ở Thượng Hải. Bố ông làm công việc biên tập sách và phê bình phim. Từng có thời gian cả mùa hè, gia đình ông không mua nổi 1 chiếc quạt điện. Về sau, ông lấy bằng tại trường Đại học Ngoại thương Thượng Hải rồi chuyển đến sống ở Nhật. Ông kết hôn, đổi tên và nhận quốc tịch Nhật trong thời gian này.
Tiếp đó, ông Hiroshi lập công ty cổ phần Large Horse International chuyên đầu tư vào năng lượng và ứng dụng điện tử với đội ngũ nhân sự khoảng 2.000 người. Nghỉ hưu khi 44 tuổi, ông Hiroshi đặt kế hoạch mua nhà ở California - với tiêu chuẩn đó phải là ngôi nhà lớn hơn mọi ngôi nhà ông có thể tìm thấy ở châu Á.
"Ở Hồng Kông hay Nhật Bản, mua nhà kiểu đó là chuyện không tưởng, vì đất đai rất chật hẹp. Chỉ có ở đây tôi mới tìm thấy ngôi nhà trong mộng của mình".
Nhà giàu thế giới đang đổ tiền vào đâu?
Luân Đôn là một trong những thành phố thu hút người mua nhà ngoại quốc nhiều nhất. Song đây lại là 1 trong 3 thành phố châu Âu không đáng để sinh sống nhất, bên cạnh thủ đô Lisbon và Athens. Ảnh: FT
|
Vụ mua nhà của ông Hiroshi chỉ là một trong vô số các vụ đầu tư từ nước ngoài vào bất động sản Mỹ - những người mua nhà dựa trên tư vấn từ các tổ chức/doanh nghiệp tài chính và bất động sản.
Nhà giàu Trung Quốc (đặc biệt từ Hồng Kông và Đài Loan) lập kỷ lục chi tiêu mua nhà tại Mỹ trong 12 tháng qua. 60% trong số người mua này trả bằng tiền mặt, Bloomberg dẫn tin.
Hiện thế giới có khoảng 200.000 người siêu giàu (tài sản trên 30 triệu USD) với tổng tài sản 27,7 nghìn tỷ USD trong đó 83% tài sản do các tỷ phú Mỹ, Đức và Nhật Bản nắm giữ.
Theo số liệu năm 2013 của Forbes, giới siêu giàu tại Mỹ sở hữu khối tài sản lớn nhất, lên tới 9 nghìn tỷ USD, số lượng là hơn 65 nghìn người. Đứng thứ 2 là Đức với tổng tài sản sở hữu là 7,6 nghìn tỷ USD, với hơn 58 nghìn người. Thứ 3 là Nhật Bản với 6,6 nghìn tỷ USD nằm trong tay 14 nghìn người.
Sở hữu khối lượng tài sản khổng lồ, họ có thể mua lâu đài, sắm du thuyền.. nhưng điều quan trọng hơn cả là phải tiếp tục đầu tư để khiến cho "tiền tiếp tục đẻ ra tiền".
Nơi sinh lời ổn định nhất và an toàn nhất chính là bất động sản. Họ có thể đầu tư rất nhiều vào chốn nương chân mà mỗi năm họ chỉ tới vài ba ngày. Các thành phố lớn như New York, Luân Đôn và Paris là những nơi được giới giàu ưa thích, đặc biệt là tỉ phú mới nổi.
Trong những năm gần đây, giới siêu giàu châu Á đã gây dựng được ảnh hưởng đến các thành phố lớn như Hồng Kông, Singapore, Mumbai và London là những địa điểm hàng đầu để sở hữu bất động sản.
Tại khu vực Đông Nam Á, hầu hết nhà giàu tại các khu vực đều có xu hướng sở hữu tài sản tại nước sở tại hơn là ở các nơi khác.
Ngược lại, nhóm siêu giàu ở các quốc gia Mỹ La tinh lại không chọn đầu tư trong lãnh thổ của mình mà lại ưa chuộng khu vực phía bắc biên giới (Bắc Mỹ). Nhóm siêu giàu ở châu Phi cũng có khuynh hướng đầu tư vào nơi khác hơn nước sở tại, châu Âu là lựa chọn của họ.
Mới đây, thị trường căn hộ sang trọng ở Monaco, thiên đường thuế trên vùng Riviera của Pháp, đang trải qua giai đoạn bùng nổ để đón nhận một làn sóng triệu phú và tỷ phú muốn tìm đến đây sinh sống nhằm tránh bị đánh thuế thu nhập cao. Khu vực đắt nhất của Monaco, tập trung ở Golden Square và Casino de Monte-Carlo nổi tiếng trong loạt phim về James Bond, đã trở thành vị trí bất động sản đắt nhất thế giới, vượt cả Hồng Kông.
Chuyện người mua nhà ngoại quốc
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg, ông Sam Van Horebeek, người đứng đầu hãng tư vấn bất động sản East-West Property Advisors khẳng định "Tôi nghĩ cuối cùng thì người mua bất động sản Trung Quốc vẫn tin tưởng nước Mỹ hơn".
Ông Hiroshi bắt đầu tìm kiếm ngôi nhà trong mơ từ năm 2005, xuất phát từ Los Angeles, dưới hướng dẫn của viên môi giới bất động sản Chizuko Namba, thuộc công ty Coldwell Banker.
Ông Hiroshi thích mua nhà ở những nơi nổi tiếng sang trọng và xa xỉ. Cô Chizuko Namba giới thiệu với ông Hiroshi hết nhà này tới nhà khác tại khu Beverly Hills và Bell Air trong ròng rã 2 năm liên tục. Không một ngôi nhà nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Hiroshi.
Đường cao tốc Pacific Coast từ Los Angeles đến San Francisco. Ảnh: Discoveramerica
|
"Mấy ngôi nhà lớn thường bị cũ và cổ. Tôi muốn thứ gì đó mới hoàn toàn. Phí thời gian đi nâng cấp hay sửa sang lại làm gì".
Năm 2007, ông Hiroshi đến Malibu để xem dinh thự trong mơ. Công ty bất động sản Cortazzo - có uy tín số 1 tại Malibu trong ngành bất động sản, lúc đó cho biết dinh thự được xây cất năm 2002, trước khi thành phố ven biển này áp dụng luật giới hạn diện tích mới cho mọi ngôi nhà ở đây.
Người bên phía Cortazzo nói "Tôi khẳng định rằng chẳng có bất động sản nào như thế này đâu". "Tôi bị lời lẽ của anh ta thuyết phục hoàn toàn", ông Hiroshi nhớ lại.
Buổi chiều, ông Hiroshi được ngắm nghía kỹ dinh thự. Buổi tối, ông đến dinh thự để được tận mắt xem. Ngôi nhà lớn không chỉ phóng tầm nhìn ra biển mà còn hướng ra đường cao tốc Pacific Coast. Cung đường này là 1 trong vài cung đường đẹp nhất nước Mỹ, chạy dọc theo Thái Bình Dương từ miền Nam California đến bang Washington, với nhiều đọan có các thị trấn ven biển quyến rũ và rất nhiều khu rừng nên thơ hai bên đường đi. Du khách đi trên đường cao tốc thường dừng lại ở Malibu để nghỉ chân tại những bãi biển tuyệt đẹp và xem lướt sóng, cũng có khi là để xem những ngôi sao màn bạc hay thư giãn tại đây.
Hiroshi đàm phán lại giá cả và sau đó đáp chuyến bay về Hồng Kông.
Theo hồ sơ tòa án, ông Hiroshi đã không đề nghị đo kiểm tra lại toàn bộ diện tích dinh thự Malibu, cũng không có nhu cầu xem thiết kế của kiến trúc sư. Trong danh sách lưu trữ hồ sơ tài sản của Quận Los Angeles, diện tích khu vực sinh sống của bất động sản này là 9,434 feet vuông, tương đương gần 890 m2.
Ông Hiroshi chỉ phát hiện ra sai lệch về diện tích của dinh thự Malibu vào năm 2009. Bấy giờ, công ty bất động sản Cortazzo nói họ chưa bao giờ được đề nghị hay đồng ý đại diện cho ông Hiroshi. Ông Hiroshi nói tiếng Anh không sõi nên từ ban đầu, giao tiếp giữa hai phía không hề dễ dàng. Cô Namba, người chuyên giúp Hiroshi tìm nhà, từ chối bình luận về chuyện của ông Hiroshi.
Năm ngoái, ông Hiroshi đâm đơn kiện đòi tòa án Los Angeles mở phiên xử mới.
Tòa phúc thẩm cho biết "Cortazzo đã nhận thức được sự sai lệch về thông tin cung cấp cho ông Hiroshi Horiike, dù họ không hề có ý đồ gian lận".
Hiện tại, ông Hiroshi sống mỗi năm khoảng 100 ngày tại dinh thự Malibu. Đây là ngôi nhà lớn mà người đàn ông từng có 1 cuộc hôn nhân thất bại chia sẻ cùng 10 chú chó. Ông khẳng định muốn công khai kết quả vụ kiện.
"Vụ này đâu phải cho mỗi tôi. Nó là vì công bằng cho mọi người".
DiaOcOnline.vn - Theo Gafin / Bloomberg