Cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, người dân tại Hồng Kông đang phải đối mặt với một mối lo mới: đó là “mưa kính” bất ngờ rơi xuống từ các tòa nhà cao tầng. “Thủ phạm” chính là loại kính cường lực hiện được sử dụng rộng rãi trong các tòa nhà chọc trời trên thế giới.
Khu căn hộ cao cấp The Arch ở Kowloon, Hồng Kông. Ảnh: Hongkongselect.com
Công ty bất động sản Sun Hung Kai Properties là chủ đầu tư của hai dự án căn hộ cao cấp The Arch và Larvotto tại Hồng Kông. Công ty này cho biết, kể từ khi dự án Larvotto được hoàn thành năm 2011, đã xảy ra 34 vụ vỡ kính cửa sổ, còn tại The Arch xảy ra gần 60 vụ, chiếm 0,4% trong tổng số 14.000 ô kính tại công trình này. Đáng chú ý, The Arch là tòa nhà có những căn hộ hạng sang, với giá cho thuê mỗi tháng lên tới 13.000USD.
Trong hơn 90 sự cố xảy ra tại hai dự án căn hộ cao cấp này trong năm qua, các tấm kính cường lực đột nhiên vỡ tan và có lúc bung ra khỏi khung cửa sổ, gây nguy hiểm cho người đi đường. Hồng Kông là thành phố của các tòa nhà cao tầng và một số sự cố tương tự cũng từng được ghi nhận tại các thành phố khác như Toronto (Canada) và Texas (Mỹ).
Kính cường lực được sử dụng rộng rãi trong các tòa nhà chọc trời do được xem là loại kính có khả năng chịu lực cao, chống chọi được với các cơn gió mạnh và khi bị vỡ các mảnh kính vụn ra thành dạng tròn mà không sắc cạnh nên được đánh giá là an toàn. Dù vậy, theo các chuyên gia, sự cố vỡ kính là khó tránh khỏi. Nguyên nhân là do các tạp chất nickel sulfide lẩn trong thành phần cấu tạo của kính. Các tạp chất này sẽ nở ra khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, làm kính vỡ tan.
Công ty Sun Hung Kai Properties đã thành lập hẳn các nhóm phản ứng khẩn cấp để đối phó với các sự cố loại này. Họ thậm chí còn sử dụng ống nhòm để thường xuyên kiểm tra các ô cửa kính, đảm bảo không xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Sun Hung Kai Properties đang có kế hoạch thay kính cửa sổ miễn phí cho người dân ở dự án The Arch, với tổng chi phí lên tới 30 triệu đô la Hồng Kông. Công ty này cũng đang lắp đặt các tấm lưới an toàn để bảo vệ cư dân của tòa nhà và người đi đường. “Người dân rõ ràng không hài lòng, họ muốn có một giải pháp thấu đáo”, David Runciman, Trưởng ban quản lý tòa nhà The Arch nói.
Các nhà làm luật Hồng Kông cho biết, họ sẽ nêu vấn đề này tại cơ quan lập pháp của đặc khu hành chính này. Hiện Hồng Kông quy định tất cả các sản phẩm kính cường lực bán trên thị trường phải được nung nóng tới nhiệt độ khoảng 280 độ C trong ít nhất 2 giờ, nhằm kiểm tra độ chịu nhiệt của kính. Tiêu chuẩn này cũng được áp dụng tại nhiều nước trong đó có Anh, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thời gian thử nghiệm lâu hơn có thể giúp giảm các sự cố vỡ kính.
DiaOcOnline.vn - Theo ANTĐ/ Wall Street Journal