Trong lúc Mỹ đang tìm cách khôi phục nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng địa ốc thì Trung Quốc lại đang lâm vào tình cảnh gần giống với nước Mỹ thời tiền khủng hoảng. Nhiều nhà phân tích lo ngại, những bong bóng bất động sản của Trung Quốc có thể trở thành mối hiểm hoạ mới đối với nền kinh tế toàn cầu trong tương lai không xa.
Tháng 11/2009, tạp chí Times đã có bài viết cảnh báo về những “bong bóng bất ổn” và cho rằng bất động sản đang trở thành vấn đề gây đau đầu nhất của Trung Quốc. Mặc dù bất động sản có thể làm động lực phục hồi nền kinh tế nước này nhưng nó cũng tạo ra một môi trường kinh tế “bất ổn và nguy hiểm” trong trong nhiều năm hoặc thập chí là nhiều thập kỷ tới.
Bong bong bất động sản có dấu hiệu xuất hiện tại Trung Quốc từ cuối năm 2009. Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, trong tháng 10/2009 giá nhà đất tại 70 thành phố đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất trong vòng 14 tháng. Trong khi giá nhà đất tại 20/70 thành phố của Trung Quốc đã “nhảy vọt” ít nhất 1% so với một tháng trước đó. Tình trạng bong bóng không chỉ xuất hiện ở các thành phố duyên hải sầm uất, mà Nam Kinh, Trùng Khánh và Côn Minh cùng nhiều thị trấn khác cũng phải chứng kiến tình trạng này.
Khi đó Ngân hàng Mỹ Merril Lynch đã cho rằng “sự tăng giá bất động sản nhanh chóng hiện đang trở thành vấn đề hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc”. Người ta không chỉ lo ngại những bong bóng này sẽ vỡ tan vào một ngày nào đó mà còn không rõ đến khi nào Trung Quốc mới chấm dứt các biện pháp kích thích kinh tế được thực hiện một cách tràn lan.
Giống như hầu hết các nước phát triển khác, Trung Quốc đã tung ra một gói kích thích kinh tế rộng rãi nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tháng 11/2008, tạp chí Forbes tiết lộ rằng, gói kích thích kinh tế “rộng lớn” có trị giá tới 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT) (586 tỷ USD) nhằm nâng cấp hệ thống đường xá, đường sắt, sân bay, lưới điện quốc gia. Chương trình này cũng nhằm tăng “thu nhập thông qua cải cách đất đai” và các dự án phúc lợi xã hội như bảo vệ môi trường và nhà ở giá rẻ, với trọng tâm là cắt giảm lãi suất và nới lỏng các quy định về cho vay tại ngân hàng. Cùng thời điểm này, nước Mỹ đã làm điều ngược lại khi chỉ bơm 100 triệu USD vào nền kinh tế trong mùa hè 2008.
Tạp chí Time cũng cho rằng, việc bất động sản tăng giá quá nhanh đã làm cho Bắc Kinh trở nên khó xử trong quyết định khi nào và làm thế nào để chấm dứt các biện pháp kích thích nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo bình thường. Trong thực tế chính các biện pháp kích thích kinh tế đã làm tạo ra bong bóng bất động sản.
Trong năm tháng đầu năm 2010, lượng tiền do giới đầu tư và đầu cơ đổ vào thị trường bất động sản đã tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2009. Trong 10 tháng đầu năm 2009, tổng các khoản cho vay mới được thực hiện ở hệ thống ngân hàng đã lên mức 1,3 nghìn tỷ USD, tăng 144% so với cùng kỳ năm 2008.
Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng lo ngại rằng người dân không thể chịu được mức giá tăng đến chóng mặt như vậy. Kết quả là làm nhu cầu tiêu thụ bị giảm, điều mà chính quyền Trung Quốc không hề mong muốn khi tung ra các biện pháp kích thích kinh tế. Hầu hết các nhà phân tích cũng nhận thấy nét tương đồng giữa bong bóng bất động sản Trung Quốc với cuộc khủng hoảng địa ốc của Mỹ.
Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn tình trạng leo thang dẫn đến vỡ tung của các bong bóng, như thắt chặt chính sách tín dụng và hạn chế cho vay. Tuy nhiên, tình trạng nợ nần tại chính quyền các địa phương do đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng đã làm tăng thêm lo ngại về việc bong bóng bất động sản sẽ vỡ trong tương lai.
DiaOcOnline.vn - Theo Vitinfo