Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay có thể chưa sớm kết thúc sau khi cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan dự báo, thị trường nhà đất Mỹ hiện nay phải ít nhất giữa năm sau mới ổn định trở lại.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hôm 14/8, Alan Greenspan nói rằng, ông hy vọng giá nhà đất tại Mỹ, một nhân tố quan trọng đối với triển vọng kinh tế và các thị trường tài chính sẽ bắt đầu ổn định trở lại trong nửa đầu năm 2009.
Theo Greenspan, giai đoạn cuối của việc giảm giá nhà tại Mỹ là một điều kiện quan trọng của một đoạn kết đối với cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu hiện nay.
Ở tuổi 82, Greenspan vẫn còn rất sắc sảo và không ngừng làm việc, mặc dù nhiều người cho rằng, Greenspan không còn là "một ngôi sao" từ khi nghỉ hưu hồi tháng 1/2006.
Dẫu sao thì nhiều người vẫn chú ý tới những nhận xét của ông. Những dự báo về thị trường nhà đất Mỹ của Greenspan dựa trên hai dữ liệu thông tin.
Một là nguồn cung nhà đang vượt cầu. Hai là so sánh giá nhà hiện nay với giá nhà thuê dự tính mà một gia đình Mỹ có thể thuê được. Greenspan cho rằng, cần phải xem xét khả năng khi nào thì mua nhà, khi nào thì bán nhà và thuê một căn nhà khác để ở.
"Sự mất cân đối cung - cầu khiến giá (nhà) giảm, nhưng cuối cùng thì quá trình định giá việc sử dụng hàng hóa sẽ nói cho chúng ta biết khi nào chúng chạm đáy. Đáy sẽ chạm khi những người sở hữu nhà không muốn bán với giá thấp hơn", Greenspan nói.
Alan Greenspan từng bị "kết tội" là đã gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay bằng việc duy trì lãi suất USD quá thấp với chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, Greenspan đã "phản pháo" lại rằng, việc tăng giá nhà đất tại Mỹ quá cao và không bình thường trong một giai đoạn dài mà cả thế giới (không riêng gì nước Mỹ) đều cắt giảm lãi suất và chính những nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng đã không lường trước được rủi ro trong lĩnh vực mà họ đầu tư vào.
Thực tế thì trước đó Greenspan đã nhận thức được vấn đề của thị trường nhà đất Mỹ. Một tài liệu của FED cho thấy, vào tháng 11/2002 Alan Greenspan đã cảnh báo rằng, "rất khó để đến một lúc nào đó, thị trường nhà đất Mỹ đang bùng nổ… sẽ không bị xẹp…".
Việc giá nhà đất ở Mỹ giảm mạnh thực sự là một mối đe dọa đối với sự ổn định của Fannie Mae và Freddie Mac, hai công ty cho vay, môi giới bất động sản lớn nhất tại Mỹ.
Khi còn là Chủ tịch FED, Greenspan liên tục cảnh báo, mô hình hoạt động của hai "gã khổng lồ" này có thể đe dọa sự ổn định tài chính của nước Mỹ và việc Chính phủ phải hỗ trợ các công ty này là điều không tránh khỏi.
"Không chỉ các công ty này quan trọng đối với thị trường môi giới bất động sản đang "chết dở" mà việc FED "cứu" Ngân hàng Bear Stearns thì cũng có nghĩa là FED cũng sẽ cứu Fannie Mae và Freddie Mac, hay bất cứ một công ty nào có bóng dáng Chính phủ Mỹ đứng đằng sau", Greenspan nói.
Tuy nhiên, không phải nhà kinh tế nào cũng tin vào dự báo của Greenspan, khi mà số nhà bị tịch thu đang tăng lên nhanh chóng. Các ngân hàng, vốn đã vay hàng trăm tỷ USD từ FED, đang không sử dụng các khoản vay này để tiếp tục cho vay mà dùng để trích dự phòng những khoản thua lỗ từ đầu tư vào cổ phiếu nhà đất.
Trong những đợt suy thoái kinh tế gần đây, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng theo và nếu như vậy thì sẽ không thể ngăn chặn được giá nhà đất tiếp tục giảm do làn sóng bán tháo nhà sẽ còn tiếp tục trong vòng 9 tháng tới.
"Tôi cho rằng, Greenspan đã đánh giá thấp những thách thức phía trước mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt", Patrick McGilvray, Chủ tịch The HomeBuyingCenter.com bình luận.
Một cuộc điều tra của Wall Street Journal đối với các độc giả cũng cho thấy, 60% cho rằng, vị cựu Chủ tịch FED sai khi dự báo như vậy và giá nhà sẽ không ổn định trở lại cho tới tận cuối năm 2009.
"Ánh sáng cuối đường hầm vẫn chưa thấy. Sẽ phải tới cuối năm 2009, thị trường nhà đất Mỹ mới ổn định trở lại", Celia Chen, một nhà kinh tế của Moody's Economy.com, phát biểu.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm là cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ liệu sẽ đi đến đâu và sẽ ảnh huởng như thế nào tới nền kinh tế Mỹ? "Tôi cho rằng, sẽ tác động tiêu cực và nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái cho tới tận năm 2010", Paul Krugman, nhà kinh tế tại Trường đại học Princeton, dự báo.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán