Giá bất động sản châu Á đồng loạt tăng cao

Cập nhật 29/01/2011 21:20


Hồng Kông là nơi có giá bất động sản cao nhất thế giới.
Giá bất động sản của nhiều quốc gia châu Á bất ngờ tăng vọt, khiến Chính phủ các nước phải bó tay dù đã áp dụng mọi biện pháp có thể.

Tại Trung Quốc và rất nhiều quốc gia khác của châu Á, vấn đề giá bất động sản tăng mạnh đang trở nên khá phổ biến. Nhiều nền kinh tế mới nổi châu Á, bao gồm Ấn Độ, Hồng Kông và Thái Lan, đã áp dụng nhiều biện pháp để kiềm chế thị trường bất động sản đang quá nóng, nhưng không thu được kết quả như mong đợi.

Giá nhà ở Ấn Độ đã tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua, gần bằng mức tăng ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải. Giá bất động sản ở New Delhi đã tăng hơn 70% kể từ năm 2009. Một căn hộ 75m2 ở Mumbai có thể có giá lên tới 1 triệu đô la Mỹ.

Tại Thái Lan, một căn hộ 30m2 có giá từ 60,000 - 90,000 USD, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Thái Lan hàng tháng chưa tới 303 USD. Giá bất động sản tại Hồng Kông đã tăng hơn 50% trong 2 năm qua, vượt xa khả năng chi trả của các gia đình bình thường.

Tại Singapore, giá nhà ở cao thứ 3 châu Á, trong khi ở Đài Loan, giá nhà mới trong quý 3 năm ngoái đã tăng hơn 15%. Thống kê cho thấy giá bất động sản tại Hồng Kông được xếp hạng đắt nhất thế giới, thành phố Mumbai đứng thứ 10, Thượng Hải đứng thứ 65 và Bắc Kinh đứng thứ 76.

Năm ngoái, Chính phủ các nước để đưa ra rất nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này. Chính quyền Hồng Kông áp dụng mức thuế 15% trong lĩnh vực bất động sản, nhưng vẫn không thể ngăn được giá bất động sản bất ngờ tăng vọt.

2 tuần trước, Chính phủ Singapore tăng mức thuế suất từ 3% lên 16%. Đài Loan và Ấn Độ cũng áp dụng nhiều biện pháp tương tự, những cũng không đem lại kết quả nào đáng kể.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân cơ bản là thanh khoản quá mức. Chính sách tiền tệ nới lỏng ở một số quốc gia đã thu hút nhiều vốn đầu cơ từ khắp nơi trên thế giới đổ vào các thị trường mới nổi. Các chuyên gia cũng đề xuất, phải có một sự nỗ lực từ nhiều hướng, bao gồm cả chính sách tiền tệ thắt chặt, nhằm chế ngự sự tăng giá bất ngờ của thị trường bất động sản.

DiaOcOnline.vn - Theo DVT