Độc thân không được mua nhà?

Cập nhật 23/11/2009 09:35

Ở Singapore, mối liên hệ giữa hôn nhân và mua nhà ở là rất chặt chẽ, đến độ câu hỏi thường được các chàng trai đưa ra với người yêu của mình là: “Chúng mình đăng ký mua nhà nhé?”.

Một khu chung cư hiện đại tại Singapore - Ảnh: Getty Images


Ở xứ đất chật như Singapore, khoảng 90% dân số sống trong các căn hộ cao tầng do Ủy ban phát triển nhà ở (HDB) xây dựng. HDB là một cơ quan của chính phủ thành lập năm 1960, có nhiệm vụ bán nhà với giá vừa túi tiền cho người dân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sở hữu được một căn hộ HDB. Dù đã có nhiều nới lỏng trong quy định, song thông điệp của HDB vẫn rất rõ ràng: nếu bạn độc thân và dưới 35 tuổi, bạn không thể mua một căn hộ HDB. Nếu muốn, bạn vẫn có thể tìm mua căn hộ tư nhân nhưng giá thường đắt hơn rất nhiều.

Tại sao không cho người độc thân dưới 35 tuổi mua nhà? Lý do được thủ tướng lúc ấy là Goh Chok Tong đưa ra năm 1994 là “nếu gỡ bỏ quy định này, Singapore có thể khuyến khích thêm nhiều phụ nữ không chồng mà có con”, trong khi đó là một việc không thể chấp nhận được trong xã hội Singapore.

Và tại sao lại dưới 35 tuổi? Bộ trưởng phát triển quốc gia Singapore Mah Bow Tan giải thích: “Chúng tôi không muốn khuyến khích những người độc thân sống xa bố mẹ khi còn quá trẻ. Chúng tôi đã kiểm tra các cơ quan khác và lời khuyên họ đưa ra là tỉ lệ kết hôn ở người độc thân trên 35 tuổi thì thấp hơn nhiều, vì thế chúng tôi chọn ngưỡng là 35”.

Vậy chính sách nhà ở đó có đạt được mục tiêu ban đầu hay không? Câu trả lời theo tôi là có. Ở Singapore, từ 1980-2008 tổng số vụ đăng ký kết hôn hằng năm vẫn tăng ổn định - từ 19.000 lên 27.000.

Tuy nhiên trong thực tế, một chính sách như vậy đã tạo ra những tác dụng phụ không mong muốn: do có quá nhiều người lần đầu tiên đăng ký mua nhà nên những cặp đang yêu nhau, sau khi đã đặt cọc mua nhà với số tiền năm con số, phải chờ đến năm năm mới nhận được chìa khóa. Điều này có nghĩa để tranh thủ vừa yêu vừa... chờ nhà, nhiều cặp đã vội vã quyết định chọn nhau để rồi cuối cùng đường ai nấy đi, chấp nhận mất trắng khoản tiền cọc.

Tôi đã gặp một vài trường hợp như vậy, trong đó có hai người bạn thân của tôi. Sau hai năm hò hẹn, họ quyết định đăng ký mua một căn hộ vào năm 2006. Lẽ ra họ sẽ có nhà vào năm 2011, nhưng họ vừa mới quyết định chia tay năm nay. Như vậy 15.000 đôla Singapore đặt cọc đã tan thành mây khói.

Một chính sách như vậy vô hình trung làm trầm trọng thêm tình trạng tỉ lệ sinh thấp ở Singapore, vì nó không khuyến khích những ông bố bà mẹ đơn thân hoặc những cặp tình nhân không kết hôn nhưng muốn có con, do lối sống này không phù hợp với kiểu “gia đình bình thường” nằm trong mục tiêu phát triển của quốc gia. Trên các diễn đàn đã xuất hiện không ít chủ đề bàn tán xoay quanh chính sách này, với câu hỏi như “Liệu bạn có kết hôn chỉ để mua được căn hộ HDB?”.

Lá thư của ông bố Singapore gửi cho báo The New Paper kể khổ về chuyện cô con gái 28 tuổi của mình không đủ tiêu chuẩn mua căn hộ do nhà nước trợ cấp chỉ vì cô này... chưa có chồng vào hồi tháng 6 đã làm dấy lên những cuộc tranh luận mới. Những người trẻ đồng cảnh ngộ kêu gọi: “Hãy để người độc thân được mua nhà HDB!”.

Dù sao đi nữa chính sách nhà ở này chỉ thể hiện một mặt trong đường lối ủng hộ mô hình gia đình của Singapore. Xa hơn, câu hỏi hóc búa đặt ra cho các nhà lập pháp Singapore là: các chính sách nên thuận theo hay ngược lại xu hướng chung của xã hội?

Với cấu trúc gia đình ngày càng thu hẹp do nhiều tác động xã hội, một số người cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên đề ra những biện pháp để hỗ trợ tốt hơn cho các cá nhân, trong đó có cả người đã ly dị và các bà mẹ đơn thân, thay vì cứ cố, đôi khi vô vọng, xây cho được đơn vị gia đình truyền thống.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO