Năm 2009 kết thúc với hàng loạt sự kiện nổi bật liên quan đến bất động sản ở nhiều nước trên thế giới. Các nhà quan sát cho rằng những sự kiện đáng chú ý đó là những dấu hiệu tốt cho việc khôi phục trở lại nền kinh tế chung trên toàn thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng nhất từ trước đến nay.
1. Australia:
Ngay từ đầu tháng 12, Úc là nước đầu tiên vượt qua Mỹ để trở thành nước có diện tích nhà ở trung bình lớn nhất thế giới. Một phần là do diện tích nhà ở Úc tăng trong khi diện tích nhà ở Mỹ lại giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Đối với Mỹ thì đây là lần đầu tiên diện tích trung bình nhà ở của Mỹ giảm trong thập niên qua còn với Úc thì nguyên nhân của việc tăng diện tích là do số người trung bình trong mỗi hộ gia đình ở Úc tăng từ 2,51 lên 2,56, mức tăng đầu tiên trong ít nhất 100 năm qua.
2. New Zealand:
Thị trường bất động sản New Zealand năm vừa qua tương đối tĩnh lặng bởi sự im hơi lặng tiếng của các nhà đầu tư khi họ chưa có quyết định bán ra những tài sản của mình và đồng thời họ cũng đang hi vọng rằng các hoạt động sẽ trở nên nhộn nhịp hơn trong tháng giêng và tháng hai, dẫn đến sự cân đối hơn cho thị trường bất động sản.
Trong cuộc điều tra ngắn của hãng ASB tháng vừa qua thì New Zealand hoàn toàn có quyền lạc quan về thị trường nhà ở sẽ khởi sắc trong thời gian sắp tới bởi hầu hết những người được hỏi đều cho rằng đây là thời điểm tốt để mua một căn nhà. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng mặc dù nền kinh tế đã bắt đầu được phục hồi, đời sống đã khá hơn, nhưng giá nhà vẫn còn rất cao so với thu nhập trung bình của người dân.
3. Anh quốc:
Ngay từ đầu tháng, với những số liệu báo cáo đáng tin cậy từ các công ty chuyên nghiên cứu thị trường thì các nhà kinh tế học hàng đầu trên thế giới đã nhận định giá nhà tại Anh sẽ tiếp tục giảm khoảng 10% trong năm 2010 và sẽ còn phải mất nhiều năm để có thể trở lại như thời kỳ đạt đỉnh năm 2007. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12 thì các số liệu mới lại cho thấy một tình hình hoàn toàn khác biệt với những dự đoán ban đầu.
Theo báo cáo của công ty tư vấn quốc tế Knight Frank, giá thuộc phân khúc căn hộ cao cấp ở London đã tăng 2,1% trong tháng 12, đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng nhất so với các phân khúc còn lại trên thị trường bất động sản Anh quốc. Một chuyên gia của công ty Knight Frank đã nhận xét rằng đây là mức tăng trưởng ấn tượng nhất và phân khúc nhà ở cao cấp đã được dịp chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ nhất trong năm 2009. Nhưng phần lớn các con phố có giá nhà đắt nhất nước Anh đều tập trung ở London. Nhiều người lo ngại rằng vì đồng bảng mất giá nên bất động sản Anh quốc mới thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
4. Trung Quốc:
Trong tháng 11/2009, giá bất động sản Trung Quốc tăng vọt bất ngờ với tốc độ nhanh nhất trong 16 tháng trước đó, làm gia tăng những lo ngại về tình trạng bong bóng trong thị trường BĐS. Nhưng ngay sau khi sự kiện “những khoản nợ Dubai” bùng nổ, nhiều nhà phân tích Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc cần phải “ra tay” kịp thời trong việc khống chế bong bóng bất động sản. Nếu như không có những sách lược cụ thể, Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành một Dubai thứ hai.
Có lẽ chính “tấm gương” Dubai đó đã thúc đẩy chính quyền Trung Quốc một lần nữa quyết tâm “hạ nhiệt” thị trường bằng cách đẩy mạnh việc cung cấp nhà giá rẻ và tái thiết các khu nhà ổ chuột. 5 cơ quan chính phủ cũng đã ban hành một loạt các quy định mới nhằm ổn định thị trường bất động sản và chống tình trạng đầu cơ nhà đất đang diễn ra tràn lan. Tuy nhiên, hành động này của chính phủ Trung Quốc không nhận được nhiều sự ủng hộ mà ngược lại còn gây ra rất nhiều ý kiến trái ngược nhau. Bởi vì đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc ban hành quyết định này và cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang dựa dẫm quá nhiều vào ngành công nghiệp bất động sản.
5. Mỹ:
Sau khi ông Obama được bầu làm Tổng Thống da màu đầu tiên của Mỹ thì ông đã cùng với chính quyền của mình đưa ra rất nhiều kế sách, chiến lược nhằm vực dậy nền kinh tế vốn đã bị suy thoái rất nặng nề. Tuy giữa tháng 12, ngành công nghiệp xây dựng ở New York gần như bị đóng băng do những khó khăn xuất phát từ cuộc khủng hoàng tài chính kéo dài tại Mỹ nhưng các báo cáo mới nhất vào cuối tháng cho thấy doanh số thu được từ việc bán những ngôi nhà xây sẵn trên toàn nước Mỹ đã tăng đến mức kỷ lục trong vòng 3 năm qua.
Nguyên nhân là do nhiều người dân Mỹ chưa từng có nhà riêng đã nhanh chóng tận dụng tín dụng nới lỏng và thuế ưu đãi từ Chính phủ để sở hữu căn nhà cho riêng mình với chi phí thấp nhất có thể và với họ, đây cũng có thể là cơ hội hiếm có duy nhất để được sở hữu 1 ngôi nhà, một điều mà nhiều người dân Mỹ trước đây chỉ dám mơ ước trong suốt cuộc đời mình.
Theo các chuyên gia thì đây là tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực của chính quyền Obama trong việc đưa nền kinh tế Mỹ vốn đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề nhất trong lịch sử quay trở lại với sự vững mạnh vốn có của nó và mọi người có thể tin tưởng vào việc nền kinh tế này đạt tăng trưởng trở lại vào năm 2010.
Phần 2:Chuyển sắc thị trường bất động sản thế giới cuối năm 2009
DiaOcOnline.vn
Ảnh: Internet