Châu Á lo sợ bong bóng bất động sản

Cập nhật 05/03/2010 14:55

Các nước châu Á đang có những biện pháp quyết liệt để hạ nhiệt thị trường bất động sản do lo sợ hiệu ứng bong bóng tương tự như ở Mỹ sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường cho nền kinh tế.


Khu căn hộ chung cư cao cấp tại cảng Victoria, Hong Kong. Một căn hộ rộng 572m2 ở đây đã được bán với giá 57 triệu USD vào tháng 10-2009 - Ảnh: Reuters

AFP cho biết các nhà hoạch định chính sách lo ngại việc giá bất động sản đang tăng cao vượt quá giá trị thật có thể kéo theo sự sụp đổ của các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực này. “Tốt hơn là chúng ta nên ngăn chặn bong bóng bất động sản ngay từ đầu thay vì đợi đến khi tình hình thêm nghiêm trọng và phải tiến hành các biện pháp cực đoan” - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long giải thích khi chính quyền nước này siết chặt thị trường bất động sản từ cuối tháng 2.

Dù đang dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế trên toàn cầu, nhưng các chính phủ châu Á lại đang lo ngại một cuộc khủng hoảng thứ hai có thể bùng phát từ thị trường nhà đất.

Lãi suất thấp, nhu cầu về nhà cửa cao và tình trạng mua bán theo tin đồn đã đẩy giá bất động sản ở nhiều thành phố châu Á lên rất cao, thậm chí vượt cả thời kỳ “sốt đất” năm 2007. News Asia cho biết tại Singapore, giá nhà đã tăng 24% trong nửa đầu năm 2009. Tại Hong Kong, giá bất động sản tăng 30% trong năm ngoái.

Tại Trung Quốc, vào tháng 1, giá nhà đất ở 70 thành phố lớn ở mức cao kỷ lục trong vòng 21 tháng qua. Giá nhà trung bình ở Sydney và Melbourne (Úc) lần lượt tăng 12,1% và 18,5% trong năm 2009. Jakarta Globe cũng cho biết Trung Quốc đã vượt qua Mỹ với tư cách là nước đầu tư nhiều nhất vào thị trường bất động sản với 156,2 tỉ USD trong năm ngoái, gấp đôi so với năm 2008, trong khi đầu tư ở Mỹ giảm 64% xuống còn 38,3 tỉ USD.

Chua Yang Liang - người đứng đầu bộ phận Đông Nam Á của Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle, được AFP trích dẫn - nhận định: “Nguy cơ xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản khá lớn ở một số nền kinh tế như Trung Quốc, Hong Kong, Singapore... Nếu bong bóng bất động sản vỡ, nó có thể làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế, đặc biệt khi các ngân hàng và những nhà đầu tư bỏ tiền vào đó quá nhiều”.

Nhiều biện pháp đối phó đã được khẩn trương triển khai. Tại Trung Quốc, chính quyền siết chặt cho vay bất động sản để ngăn chặn đầu cơ, yêu cầu những người muốn mua một căn nhà thứ hai phải đặt trước khoản tiền cọc 40% giá trị căn nhà và sẽ chịu lãi suất rất cao khi vay tiền. Tại Singapore, nhà chức trách đánh thuế cao với những người “lướt sóng” muốn bán lại bất động sản để ở trong vòng một năm kể từ khi mua. Tỉ lệ cho vay cũng được giảm từ 90% xuống còn 80% giá trị bất động sản.

Tại Hong Kong, sau khi Hãng Henderson Land Development thông báo bán được một căn hộ trị giá 57 triệu USD vào tháng 10-2009, chính quyền đã tăng thuế bán với các căn hộ trị giá trên 20 triệu HKD (2,6 triệu USD) từ 3,75% lên 4,25%.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ