Hội đồng phát triển Campuchia (CDC) cho biết trong năm 2008, cơ quan này đã phê duyệt 101 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với tổng giá trị 10,8 tỷ USD, tăng hơn 8 tỷ USD so với năm 2007 (năm có tới 126 dự án được phê duyệt, nhưng tổng giá trị chỉ đạt 2,6 tỷ USD).
Số tiền đầu tư vào các dự án bất động sản không phải là số tiền đầu tư thực tế mà tính về tổng giá trị các dự án. Còn số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Campuchia trong thời gian này chỉ khoảng 821 triệu USD, trong đó dự án phát triển bờ biển ở tỉnh Campot có vốn đầu tư lớn nhất với 3,8 triệu USD của Tập đoàn Tong Min (Trung Quốc).
Trong năm 2008, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Campuchia (tính trên số dự án đã được phê duyệt) với số vốn đầu tư 4,3 tỷ USD (chiếm 40,14% tổng lượng vốn đầu tư), đứng thứ hai là Hàn Quốc với 1,2 tỷ USD (chiếm 11,39 %), tiếp theo là Ixraen (300 triệu USD) và Nga (102 triệu USD). Trung Quốc đầu tư vào Campuchia chủ yếu trong các lĩnh vực may mặc, thuỷ điện, sản xuất và chế biến nông sản.
Theo Tổng thư ký CDC, ông Sok Chanda, ý chí chính trị của Bắc Kinh là động lực thúc đẩy Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Campuchia. Chính phủ Trung Quốc hiện nay đang khuyến khích và tạo thuận lợi để có thêm nhiều nhà đầu tư vào làm ăn tại Campuchia. Chính điều này đã đưa Trung Quốc vượt qua Malaysia vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng trong năm 2008 từ vị trí thứ hai trong năm 2007.
Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Anh), ông Michael Sullivan, nhận xét mối quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Phnôm Pênh ngày càng mật thiết hơn đã giúp các công ty Trung Quốc có được nhiều lợi thế ở Campuchia so với các công ty của những nước khác.
Cũng theo CDC, để tạo thuận lợi và thu hút thêm nhiều nhà nước ngoài trong năm 2009, Chính phủ Campuchia đã quyết định thành lập Ủy ban giải quyết các vấn đề của nhà đầu tư. Ủy ban này do Phó Thủ tướng, bà Men Sam An làm Chủ tịch và Bộ trưởng Thương mại Cham Prasit làm Phó chủ tịch cùng 10 ủy viên chấp hành là đại diện của các bộ, ngành hữu quan.
Ủy ban có nhiệm vụ giải quyết khiếu kiện và những đề nghị của các nhà đầu tư vượt ngoài thẩm quyền giải quyết Ủy ban đầu tư nhà nước hoặc Sở đầu tư của Thành phố Phnôm Pênh. Ủy ban này cũng sẽ phối hợp với Ủy ban giải quyết các vấn đề biểu tình, bãi công và các cơ quan chức năng khác về đầu tư để giúp các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn khi có biến động về lực lượng lao động.
Về tình hình xuất khẩu năm 2008, Bộ Thương mại Campuchia cho biết xuất khẩu cao su của nước này đã bị tụt giảm 15,2% so với năm 2007, chỉ đạt 36.000 tấn, trị giá 43,2 triệu USD. Thị trường xuất khẩu cao su của Campuchia chủ yếu vẫn là Malaixia, Việt Nam và Trung Quốc.
Sản lượng cao su của Campuchia trong năm 2009 được dự kiến sẽ tăng hơn nhiều so với năm 2008 vì có thêm điện tích trồng cao su được đưa vào khai thác trong năm nay. Hiện tại, Campuchia có 108.000 ha trồng cao su (cả công điền và tiểu điền), trong đó 34.000 ha đang cho khai thác. Dự kiến tới năm 2010, Campuchia có thể khai thác được 60.000 tấn mủ cao su khi 2/3 diện tích cao su này đến tuổi khai thác.
Về lương thực, năm 2008, Campuchia đã dư thừa 2 triệu tấn lúa cho xuất khẩu và trong năm 2009, Campuchia dự kiến sẽ dư thừa trên 3 triệu tấn vì diện tích canh tác nông nghiệp được mở rộng, thực hiện thâm canh hai vụ lúa tại một số địa phương và đưa vào canh tác những giống mới cho năng suất cao.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng