Campuchia đang hấp dẫn thị trường địa ốc

Cập nhật 02/01/2009 09:30

Gần một thập niên chiến tranh, đất nước Campuchia từng được thế giới biết đến như là một “cánh đồng chết” với nạn diệt chủng. Thế nhưng, ký ức đau thương đó nay đã tan biến dần, thay vào đó là sự “thay da đổi thịt” của nền kinh tế, đặc biệt là làn sóng đầu tư vào BĐS.

“Chạy đua” chiều cao


Đến thủ đô Phnom Pênh vào thời điểm này, du khách có thể so sánh thành phố như là một “đại công trường” lớn với vô số các cao ốc, khách sạn… đang được hối hả xây dựng. Có thể kể đến khu cao ốc thương mại Gold Tower 42 tầng, một biểu trưng mới của Phnom Penh thời mở cửa. Nov Ratana - Giám đốc kinh doanh Cty Yon Woo Campuchia (một liên doanh Hàn Quốc) cho biết, 60% trong tổng số 360 căn hộ tại Gold Tower 42 đã được bán, phần lớn khách mua là người Hàn Quốc và Trung Quốc. Dự án này có vốn đầu tư hơn 200 triệu USD sẽ hoàn tất vào năm 2011. Lúc đó từ trên cao ốc này nhìn về hướng bờ sông náo nhiệt, người ta có thể nhìn ngắm hầu như toàn cảnh Phnom Penh.

Cạnh tranh với cao ốc này là khu phức hợp tài chính quốc tế (IFC) gồm 52 tầng, có vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Nó gồm tòa nhà văn phòng chính ở giữa, xung quanh là các công trình kiến trúc nhỏ hơn bằng thép và kính. Những công trình nhỏ này gồm 275 căn hộ cho thuê, 1.064 căn hộ bán. Một dự án khác phải kể đến là chung cư cao cấp 33 tầng De Castle Royal, cao ốc 31 tầng River Palace 31 và Trung tâm tài chính quốc tế Sun Wah…

Vì sao là Campuchia?

Theo lý giải của ông Don Lam - Tổng giám đốc tập đoàn tài chính VinaCapital, người từng có kinh nghiệm kinh doanh tại Campuchia, thì Việt Nam, Lào và Campuchia hiện được xem là “thiên đường” đầu tư BĐS mới của các Cty đến từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước Trung Đông. Trong đó, Lào được xem là đất của các “đại gia” BĐS Trung Quốc, thị trường BĐS Việt Nam giàu tiềm năng nhất nhưng đang gặp khó khăn do lạm phát tăng cao và giá cả bị bóp méo; còn Campuchia được đánh giá là thị trường mới nổi và khá ổn định. Ngoài ra còn do nhu cầu được sống hưởng thụ của một tầng lớp người Campuchia mới giàu lên nhờ kinh doanh các dịch vụ giải trí và buôn lậu, các đại gia từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc đến đây sống để tìm môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

3 năm qua, kinh tế của Camuchia tăng trưởng trung bình từ 8 - 11%/năm. Đầu tư nước ngoài, đặc biệt là của Hàn Quốc và các quốc gia Bắc Á khác, là chìa khóa giúp phục hồi nền kinh tế của đất nước này vốn đã bị tàn phá nặng nề trong thập niên 80. Đầu tư nước ngoài đã tăng từ mức dưới 1% GDP năm 2004 lên đến 8% GDP năm 2007. Hầu hết các dự án xây dựng đều do các Cty Hàn Quốc đầu tư. Điển hình là Cty World City đang đầu tư 2 tỷ USD cho dự án khu đô thị Camko. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất từ trước tới nay. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng 119ha ở ngoại ô Phnom Penh, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018 gồm các công trình khu dân cư, thương mại và khu tiện ích công cộng. Đại diện World City cho biết, Camko chỉ mới là dự án đầu tiên của họ tại Campuchia, sắp tới Cty còn có một số dự án khác về BĐS du lịch tại Siêm Riệp, hay gần khu đền nổi tiếng Angko Wat.

Ông Charles Villar - Tổng giám đốc điều hành Bonna Realty Group (Cty môi giới BĐS lớn nhất Campuchia) ước tính, năm nay giá nhà đất ở thủ đô Phnom Penh tăng khoảng từ 80 - 90% tùy thuộc từng vị trí. Riêng giá đất ở trung tâm TP năm nay sẽ tăng vọt tới hơn 3.000 USD/m2 trong khi năm 2003 chỉ ở khoảng 500 USD/m2.

Luật nhà ở Camuchia hiện vẫn không cho người nước ngoài được mua đất, nhưng họ có thể sở hữu BĐS cho thuê. Có hai cách điển hình, thứ nhất ký hợp đồng thuê 99 năm, thứ hai ký hợp đồng thuê 70 năm kèm với quyền tái ký hợp đồng khi hết hạn. Cách thứ hai hiện được phần lớn người nước ngoài sống ở Campuchia sử dụng. Sắp tới, để kích thích đầu tư BĐS, Chính phủ nước này sẽ ban hành thêm một số điều luật như không đánh thuế các khoản tiền chuyển từ nước ngoài vào Campuchia để đầu tư địa ốc. Với điều khoản này, Chính phủ Camphuchia hy vọng sẽ biến đất nước mình thành “thiên đường” đầu tư BĐS trong khu vực Đông Nam Á và như vậy, “những cánh đồng chết” của ngày xưa sẽ trở thành những cánh đồng “hái ra tiền” trong tương lai.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng