Mở rộng thủ đô đã trở thành xu thế chung tại các quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, những mặt trái của nền kinh tế và xã hội cũng nảy nở nhanh hơn khi thành phố tập trung cho việc nâng cao vị thế, tăng thêm sự hào nhoáng, sang trọng.
Bangkok - Thành phố với gần 1.000 khu “ổ chuột”
Cách trung tâm Bangkok (Thái Lan) chừng 10 phút đi ôtô, khu “ổ chuột” Bon Kai nằm bên đường Rama IV, đối diện với những dãy nhà chọc trời, biểu trưng cho sự thịnh vượng của một thủ đô được xem như “sự kỳ diệu châu Á”.
Đoàn nhà báo quốc tế phải cúi gập người, len qua những mái nhà thấp lụp xụp trong khung cảnh nhếch nhác, thiếu ánh sáng ở khu “ổ chuột” cũ để tới khu mới, nơi có hơn 200 ngôi nhà vừa được dựng lên nhờ nguồn tài trợ của Viện Phát triển tổ chức cộng đồng (CODI).
Bà Uan Khanyai, 49 tuổi, cư dân của khu ổ chuột mới cho biết, trước đây mọi chuyện rất bấp bênh vì gia đình sống trên đất bất hợp pháp. Giờ đây gia đình 5 người sống trong ngôi nhà nhỏ 2 tầng được thuê với giá 1.400 bath/tháng (700.000 VNĐ), cùng với tiền thuê đất là 230 baht/tháng (115.000 VNĐ).
Hàng ngày, trong khi bà Uan bán hàng vặt ở khu chợ cóc gần nhà thì chồng và con đẩy xe bán hàng rong trên các đường phố Bangkok với mức thu nhập khoảng 10.000 baht/tháng (5 triệu VNĐ) đủ để trang trải cuộc sống.
Điều bà Uan hạnh phúc nhất là các con của mình tránh xa được nạn cờ bạc, ma tuý vốn phổ biến tại khu ở cũ chỉ cách vài chục bước chân.
Câu chuyện của bà Uan chỉ là một trong số hơn 200 gia đình đã sinh sống suốt 6 năm qua tại dãy nhà mới trong khu ổ chuột Bon Kai. Đây là nơi trú ngụ bất hợp pháp của hơn 600 gia đình từ năm 1977.
Trận hỏa hoạn năm 2001 đã thiêu trụi hơn 200 ngôi nhà, nhưng nhiều cư dân ở đây lại xem đó là sự may mắn vì nhờ vậy họ mới có khu ở mới khang trang, sạch sẽ hơn.
CODI đã giúp các gia đình nạn nhân thuê đất từ Cục Công sản Hoàng gia và dựng lên các dãy nhà 2-3 tầng để cho thuê.
Đối với hầu hết các gia đình khác sống ở Bon Kai hơn 30 năm qua, cuộc sống vẫn không có gì thay đổi. Hàng ngày, cư dân ở khu ổ chuột Bon Kai (cả khu mới và cũ) đổ tới các trung tâm sang trọng, sầm uất của Bangkok để kiếm sống bằng đủ thứ nghề từ bán hàng rong, chạy xe ôm, công nhân xây dựng, phu bốc vác, nhặt rác hoặc sang hơn là lái xe taxi...
“Bangkok vẫn còn gần 1.000 khu ổ chuột. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để mang tới cuộc sống tốt hơn cho cư dân khu ổ chuột, nhưng còn lâu mới đạt được mục tiêu”, bà Somsook Boonyabancha, Giám đốc CODI, cho biết.
Con số mà bà Somsook cung cấp khiến các nhà báo bị sốc, nhưng đó là bức tranh chân thực mà hàng triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm quan Bangkok hàng năm có thể chưa từng được chứng kiến.
Theo số liệu do CODI cung cấp, chỉ tính riêng hai bên bờ sông và hệ thống kênh rạch ở thủ đô Bangkok đã có tới hơn 200 khu ổ chuột, nơi người dân đang sống bất hợp pháp trên vùng đất không thuộc sở hữu của họ. Mới chỉ có 13 trong số 200 khu ổ chuột này được tham gia dự án của CODI.
CODI, trực thuộc Bộ Tài chính, được thành lập năm 2000 và từ năm 2003 được giao nhiệm vụ triển khai các dự án để giảm số lượng khu ổ chuột từ con số hơn 5.000 xuống còn 2.000 tại 226 thành phố, thị xã trên khắp Thái Lan.
Đến nay, CODI đã giúp đỡ được gần 53.000 hộ gia đình thu nhập thấp trong các khu ổ chuột trên khắp đất nước trong khuôn khổ dự án Baan Mankong - xây nhà cho người thu nhập thấp.
Tại Bangkok, CODI đã triển khai được dự án cộng đồng để cải thiện cuộc sống cho cư dân ở gần 40 khu ổ chuột lớn nhất ở thủ đô như Bon Kai, Klong Bang Bua (Bang Khen), Klong Tey, Suan Phlu...
CODI cũng đã nhận được lời đề nghị tham gia dự án từ gần 150 khu ổ chuột khác tại Bangkok và gần 500 cộng đồng khác trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến đầu năm 2008, ngân sách của CODI đã gần như cạn kiệt.
Manila - Quá tải với 17 thành phố
Thành phố Manila - thủ phủ hành chính của Vùng thủ đô Manila.
Người dân sống xung quanh trường đại học danh tiếng Ateneo de Manila, gần đại lộ Katipunan, thuộc thành phố Quezon, vẫn chưa quên cảm giác háo hức và sung sướng khi đột nhiên trở thành “người thủ đô” sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ra sắc lệnh 824.
Bằng việc cắt, gộp đất đai của các tỉnh thành khác xung quanh Manila "cũ ", Tổng thống Marcos đã khai sinh ra Vùng thủ đô Manila mà ngày nay là nơi cư ngụ chính thức của 12 triệu dân (2008).
Giấc mơ trở thành “Los Angeles châu Á” của “người thủ đô” tại Manila tưởng như đã trở thành hiện thực khi các công sở, nhà máy, siêu thị, trung tâm buôn bán, trường học đồ sộ... nhanh chóng mọc lên tại cả 16 khu vực khác vừa được nhập vào Manila theo quy hoạch tổng thể của chính quyền.
Tốc độ đô thị hoá nhanh đến chóng mặt và người nông dân cũng rời xa nông nghiệp. Các thương hiệu hàng đầu thế giới cũng đua nhau đổ vào Manila khiến bộ mặt Vùng thủ đô trở nên hào nhoáng, sang trọng. Giấc mơ trên càng được củng cố khi Ngân hàng Thế giới từng dự báo Philippines “hoá rồng” ngay trong những năm cuối 1970. Tuy nhiên, sau 30 năm phát triển, Vùng thủ đô Manila ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Hàng rong - hợp pháp hay phi pháp?
Hình ảnh quen thuộc tại nhiều đường phố Manila.
Những người nông dân mất đất sống quanh Đại học Ateneo de Manila, một số nhanh chóng trở thành tài xế chạy xe Tricycle, nhưng hầu hết chẳng biết làm nghề gì ngoài việc gia nhập vào đội ngũ bán hàng rong lên tới hơn 220.000 người theo con số chính thức năm 2008 và 400.000 người theo ước tính của báo chí.
Đội ngũ này mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người và xuất hiện tại mọi ngõ ngách trên khắp Vùng thủ đô.
Hiếm có thủ đô nào trên thế giới có đội ngũ hàng rong đông đảo và “táo bạo” như ở Manila khi họ tràn tới cả siêu thị, công sở, nhà thờ và không chỉ bán trên vỉa hè mà thậm chí còn vây kín lòng đường. Dân số vào ban ngày ở Manila thường được cộng thêm 3 - 4 triệu, bao gồm những người ở các vùng khác đổ vào thủ đô kiếm sống.
Đã có lúc chính quyền Manila ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc bán hàng rong hoặc cấm tại những địa điểm nhất định để “làm sạch” gương mặt thủ đô, nhưng kế hoạch chưa vào giờ thực hiện được.
Năm 2001, Chính phủ Philippines ra tay bằng việc triển khai kế hoạch “hợp pháp hoá” đội ngũ bán hàng rong ở Manila, nhưng đến nay đã phá sản vì hầu hết người bán hàng rong không có đủ tiền để thuê cửa hàng và đầu tư ban đầu.
Già nua và quá tải“Thực sự tôi không thấy Manila thay đổi gì nhiều trong 10 năm qua. Có lẽ thủ đô đã già trước tuổi và dường như đang quá tải trên mọi lĩnh vực”, Jun Tariman, nhà báo làm tại Đài phát thanh Cebu thường xuyên đến Manila, tâm sự.
Khi nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc, Philippines đã ào ạt rót tiền để xây dựng Manila theo mô hình của Mỹ với “văn hoá ôtô”, phong cách kiến trúc nặng nề, đồ sộ.
Tuy nhiên, tham vọng biến Manila thành Los Angeles dường như vượt quá tiềm lực của một nước đang phát triển như Philippines, đặc biệt khi nền kinh tế bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển chững lại.
Thành phố Manila, thủ phủ hành chính của Vùng thủ đô Manila, và thành phố tài chính Makati có thể tự hào về sự giàu sang, thịnh vượng với những ngôi nhà chọc trời mọc lên san sát, đường phố khang trang, sạch đẹp, không có nhiều người bán hàng rong hoặc đội ngũ chạy xe Tricycle lấn chiếm lòng đường.
Tuy nhiên, tại các thành phố khác, khung cảnh hầu như không thay đổi gì nhiều trong những năm qua. Vẫn là những siêu thị với lối kiến trúc bê tông - kính kiểu Mỹ, vẫn là những công sở cũ kỹ, lạc hậu và đường phố dù được quy hoạch rộng hơn so với các thủ đô khác trong khu vực, nhưng luôn đối mặt với vấn nạn tắc đường do “văn hoá ôtô”...
Điều dễ nhận thấy nhất ở các thành phố là những khu “chợ trời” bán đủ thứ hàng hoá, những khu đất bỏ không trong nhiều năm; hệ thống kênh rạch, cống rãnh nhớp nháp; những khu ổ chuột lụp xụp; hàng ăn nhếch nhác, người ăn xin, đội ngũ bán hàng rong...ngay bên cạnh các toà nhà sang trọng.
Bộ máy hành chính phức tạp, chồng chéo về quyền lực giữa cơ quan quản lý chung của Vùng thủ đô với chính quyền riêng của các thành phố khiến nhiều quyết sách của Manila khó đi vào thực tế và thậm chí thiếu đi sự năng động, linh hoạt cần thiết của một thủ đô đang phát triển.
Những người mới đến Manila lần đầu thường rất khó chịu với kiểu xếp hàng dài chờ thanh toán tiền tại các ngân hàng làm việc thông trưa và đóng cửa lúc 3 giờ chiều.
Việc đổi tiền được quy định rất khắt khe, nhưng chỉ được thực thi tại một số khu vực trung tâm.
Tương tự, chính quyền đề ra các quy định khắt khe đối với đội ngũ chạy xe Tricycle, bán hàng rong, hệ thống khách sạn..., nhưng thường không thể kiểm soát được tại các khu vực xa trung tâm vì bị quá tải.
Theo số liệu chính thức năm 2007, Bangkok có gần 7,2 triệu người.
Tuy nhiên, nếu tính cả 5 tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô Bangkok, dân số Bangkok lên tới trên 10 triệu, chưa tính hàng triệu người định cư bất hợp pháp.
Bangkok là một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Đông Nam Á.
Theo Tiền Phong