"Các nguy cơ suy giảm vẫn còn dai dẳng, bao gồm tình hình thị trường nhà ở tại Mỹ càng xấu đi, điều kiện vay tín dụng bị siết chặt hơn, giá dầu mỏ và nguyên liệu cao, lạm phát tăng như dự kiến tại một số nước...".
Bộ trưởng tài chính các nước G7 đã cảnh cáo như trên trong thông cáo chung kết thúc hội nghị ngày 9-2 tại Tokyo, Nhật.
Cảnh báo này nên bị xem như "chuyện trên trời" với kiểu suy diễn chuyện của G7 là chuyện của bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới, còn VN chẳng dính dáng gì. Có ít nhất hai khía cạnh trong cảnh báo này liên quan đến VN, những yếu tố ngoại tại và những yếu tố nội tại.
Trước hết, các yếu tố ngoại tại song lại tác động đến VN, như sự lệ thuộc vào đồng USD trong hạch toán kinh tế vĩ mô lẫn vi mô, chẳng khác gì "bỏ tất cả trứng vào trong một giỏ”. Khi mà tỉ giá đồng USD cứ tuột không thắng, song thật ra lại hoàn toàn theo ý muốn của FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ), tức vì lợi ích sống còn của nền kinh tế Mỹ, cán cân xuất nhập khẩu của VN sẽ như thế nào trong thực tế của sản xuất và tiêu dùng?
Bấp bênh theo USD
Một khi "thủ phạm" của tình hình khủng hoảng hiện nay đã được G7 nêu đích danh là cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở tại Mỹ, sau khi các "can phạm" khác đã được nêu tên từ năm năm nay như giá dầu mỏ quá cao, tỉ giá đồng nhân dân tệ quá thấp..., rõ ràng nguy cơ bấp bênh theo đồng USD là rất lớn.
Do lẽ "căn bệnh" đã được G7 hội chẩn và định bệnh là "cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở tại Mỹ”, song "toa thuốc" mà Washington đưa ra - đạo luật "kích thích kinh tế" - lại chủ yếu... miễn giảm thuế cá nhân cho 130 triệu người dân đóng thuế, tính ra vừa đủ con số hơn 140 tỉ USD đã loan báo cả tháng nay.
Một kế hoạch kích cầu nhè nhẹ như thế, kể cả giảm thuế ôtô, liệu có đủ để nền kinh tế Mỹ hồi phục, khi mà nguy cơ thật sự từ cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở lại là nguy cơ vỡ nợ của những ai "vay nóng" ngân hàng để mua nhà với kỳ vọng sẽ bán được giá cao như đã từng thấy trong nửa đầu thập niên này?
Thực tế "vay nóng" này càng đáng ngại trong ý nghĩa có quá nhiều người thuộc nhóm "nợ xấu" (thiếu khả năng trả nợ) cũng được một số ngân hàng ham lời cho vay, tất nhiên với lãi suất cao, với hi vọng sau này sẽ bán nhà giá cao trả nợ hoặc xiết nhà trừ nợ. Cả ngân hàng lẫn con nợ khi kỳ vọng vào tương lai xán lạn đó đã cố tình quên rằng khi mà "người người mua nhà, chờ bán kiếm lời" thì ai mua?
Không lấy làm lạ khi tờ The Economic Times chạy tít: "Các ngân hàng phải rũ sạch các khoản "nợ nóng": các bộ trưởng G7 khuyến cáo" kèm chú thích "nhiều ngân hàng trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu, thua lỗ nặng vì đã hậu thuẫn các vụ "vay nóng" này".
Tư vấn mông lung
Cảnh báo "khủng hoảng địa ốc" và "vay nóng" từ hội nghị G7 trên đất Nhật có là "trên trời" không khi mà ở VN cũng đang trong một "cơn lốc" nhà đất tương tự (và cả chứng khoán)? Gọi là "lốc" do sức mạnh cuốn hút của nó.
Sức mạnh đó không chỉ thể hiện trong xu hướng "người người mua căn hộ", mà trong cả những câu bình đầy lạc quan của một số nhà tư vấn bất động sản nước ngoài (lĩnh lương để thúc giục thiên hạ mua dự án, căn hộ...): "Bất cứ khi nào thấy có lời thì họ sẽ bán căn hộ của mình, bằng không sẽ tiếp tục giữ lại chờ giá lên. Thị trường sẽ vẫn đi theo hướng này vì tại VN vẫn chưa có đủ dự án nhà ở cho người dân. Trong khi đó, ngày càng có nhiều người muốn thay đổi địa vị của mình trong xã hội và đang ấp ủ những ước vọng, hoài bão mới".
Những tư vấn kiểu đó mông lung ở chỗ: nhà ở mà đại đa số người dân đang thiếu lại không phải là các căn hộ cao cấp đang đầu cơ, số người có khả năng thay đổi địa vị trong xã hội thì có hạn. Và rằng sẽ có lúc "lấy ai mua?" như ở Mỹ hiện nay (mà bất cứ Việt kiều nào ở Mỹ cũng đều biết rõ).
>Mỹ: Doanh số nhà mới xây giảm xuống kỷ lục.
Theo Tuổi Trẻ