Trong lúc thị trường BĐS nhiều nước trên thế giới và khu vực đang lâm vào tình trạng ách tắc chưa có lối thoát, thị trường BĐS Singapore vẫn ổn định, giá cả luôn theo chiều hướng tăng và thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau khi tách khỏi Liên bang Malaysia năm 1965, Singapore đã nhanh chóng hoàn thiện một loạt chiến lược và giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng, được mô tả như “lập lại trật tự toàn diện những không gian sinh hoạt, sản xuất và thương mại cho thành phố cũng như hệ thống giao thông nối kết tất cả hoạt động đô thị".
Đẩy nhanh quy hoạch đô thị
Năm 1966, Quốc hội Singapore thông qua Luật Trưng mua đất đai cho phép nhà nước mua lại đất của người dân để sử dụng cho mục đích công. Cơ quan thực hiện việc này là Cục Nhà ở và Phát triển (HDB) thuộc Bộ Phát triển Quốc gia (MND) đã trưng mua đất của người dân với mức giá cao hơn 20% giá thị trường vào thời điểm giao dịch.
Từ năm 1960 đến 1979, quỹ đất do HDB trưng mua đã tăng từ 44-67% và được sử dụng để xây nhà chung cư nhằm giải quyết nhanh chóng nhu cầu ổn định nơi ăn chốn ở của người dân. Giá thuê căn hộ HDB dành cho người nghèo hầu như không đáng kể, trong khi giá bán thấp hơn giá xây dựng, thậm chí không tính cả chi phí trưng mua hay giải tỏa.
Năm 1971, được sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc, Singapore tiến hành chương trình quy hoạch đầu tiên được gọi là Quy hoạch vành đai (RCP) theo phát triển một vành đai các đô thị nhà ở HDB vệ tinh mới có mật độ dân cư cao. Xung quanh các đô thị này là khu vực nhà ở tư nhân với mật độ dân cư thấp hơn. Các đô thị này được nối liền với nhau bằng hệ thống đường cao tốc trên toàn lãnh thổ.
Quy hoạch RCP cũng tính đến việc xây dựng một hệ thống giao thông bằng xe buýt hay tàu điện (MRT) để nối kết các đô thị với trung tâm thành phố. Các nhà quy hoạch cũng yêu cầu phải tận dụng tối đa các điều kiện cơ sở vật chất hiện có, đảm bảo nâng cao môi trường sống của người dân và phải có những khu vực dành cho vui chơi giải trí.
Sau khi phát triển khu vực vành đai, Singapore chuyển sang tập trung vào quy hoạch khu trung tâm thành phố trong suốt 15 năm (1974-1989). Hoạt động thương mại và ngân hàng phát triển tại khu vực này và những vấn nạn như kẹt xe, vệ sinh đô thị bắt đầu phát sinh.
Tháng 4-1974, MND quyết định thành lập cơ quan chuyên trách quản lý đô thị độc lập là Cục Quy hoạch đô thị (URA). Chính phủ Singapore đã soạn thảo và trình Quốc hội phê chuẩn bộ luật riêng dành cho URA để thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là phát triển khu vực trung tâm và tái định cư cho người dân. Nhờ những nỗ lực dựa trên nhu cầu thực tiễn được thể chế hóa, từ một vùng đất của những khu nhà ổ chuột, trung tâm Singapore đã biến thành khu tài chính thương mại hiện đại.
Thông tin minh bạch
Hơn 80% người dân Singapore hiện nay đang sống trong các căn hộ HDB ở 23 khu đô thị trên toàn đảo quốc. Mặc dù được trợ giá khi mua và có nhiều chính sách hay quy định khá chặt chẽ, căn hộ HDB là một sản phẩm khá hấp dẫn trên thị trường BĐS. Cho đến nay số lượng căn hộ HDB đã hơn con số 1 triệu và trở thành một thị trường nhộn nhịp kẻ mua người bán, cho thuê cùng các dịch vụ kèm theo như sửa chữa, nâng cấp, thiết kế, pháp lý và cả về… tư vấn phong thủy.
Các chính sách trợ giá, mua đi bán lại, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đều thông qua một đầu mối là HDB. Thông tin giá cả trên thị trường BĐS được HDB công bố rõ ràng, minh bạch cho người dân theo định kỳ 3 tháng. Trên nguyên tắc, người dân Singapore chỉ được sở hữu căn hộ HDB trong thời hạn 99 năm, nhưng những khu nhà HDB cũ đến 40 năm được nhà nước đập bỏ để xây mới nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đất với nhiều tầng hơn.
Một góc thành phố Singapore.
|