Bali: thiên đường bị đảo lộn

Cập nhật 22/05/2008 16:00

Những ngôi biệt thự lộng lẫy mọc lên, lấn dần những ngôi làng bình yên mộc mạc và làm đảo lộn các tổ chức sản xuất nông nghiệp, xã hội và văn hoá của hòn đảo Bali (Indonesia), nơi được mệnh danh là thiên đường trên hạ giới

Thiên đường địa ốc

Năm 1915, khi được chính quyền Hà Lan tham khảo ý kiến về tương lai du lịch của Bali, ông G. P. Rouffaer, giám đốc viện Nghiên cứu Bali lúc đó đã yêu cầu chính quyền thực dân không làm đảo lộn cách sống của người dân đảo, mà bằng mọi cách phải duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, phong tục làng xã, những nghi lễ, nghệ thuật tôn giáo... của nơi này, đặc biệt là không được làm đường sắt, xây nhà máy chế biến đường và không được du nhập những đồn điền trồng cà phê theo kiểu phương Tây.

Thế là từ đó, Bali biến thành một bảo tàng sống có vị trí đặc biệt trên thị trường du lịch thế giới. Điểm đến này nổi tiếng dưới cái tên “đảo ngực trần” vì phụ nữ Bali có thói quen không che ngực. Đảo còn thu hút du khách bằng nét duyên dáng của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn và nhiều đền chùa được bảo vệ khỏi mọi ảnh hưởng văn hoá và tôn giáo từ bên ngoài.

Nhưng những người đến từ nơi khác đã làm đảo lộn mọi thứ ở Bali. Làng Kerobokan, chẳng hạn, vốn nổi tiếng với giống gạo ngon nay không còn là môt làng thuần tuý của nông dân kể từ khi đất làng bị bán dần cho người nước ngoài và những người Indonesia của các địa phương khác. Dù bị luật pháp Indonesia cấm mua nhà đất, nhưng người nước ngoài cũng có cách luồn lách để có chỗ cắm dùi ở Bali. Họ mua đất của người dân đảo mà không yêu cầu phải có giấy chứng nhận sở hữu.

Để đảm bảo không bị mất của, bên mua bắt bên bán ký giấy thừa nhận vay của bên mua số tiền hàng trăm ngàn USD, tương đương với số tiền bán đất. Cách này là để phòng khi bên mua bị thu hồi đất thì bên bán phải trả lại tiền.

Anh Putu Suastra, một cổ đông người Indonesia của công ty địa ốc Asian Estates & Investments, cho biết: “Những khu đất và biệt thự ở đây còn được bán trên thị trường địa ốc Singapore và Hong Kong”. Bali đang trở thành thiên đường đối với các công ty kinh doanh địa ốc nước ngoài. Tuy nhiên, những biệt thự cao cấp mọc lên ngày càng nhiều không phải là dấu hiệu của sự thịnh vượng.

Số liệu của ngân hàng Indonesia cho biết diện tích đất canh tác ở đây giảm đều khoảng 2 - 3%/năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 1997. Cũng từ cuộc khủng khoảng này, nhiều người Bali không tìm được việc làm ở nơi khác trở về làng, nhưng vì đã bán đất cho người khác nên họ chẳng còn đất để canh tác. Hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp ở các ngôi làng đang ngày càng cao.

Những sự đảo lộn

Ở làng Umala Kauh, hơn một nửa trên tổng số 200ha đồng ruộng ở đây đã được các công ty địa ốc mua lại. Bà Nangkri, một nông dân 60 tuổi, đã từ chối bán miếng ruộng 2.000m2 cho một nhà đầu tư. Vấn đề là ruộng của bà hiện bị kẹp giữa hai biệt thự và những biệt thự này đã ngăn dòng chảy của con kênh dẫn nước vào ruộng của bà.

Để canh tác, bà Nangkri chỉ còn cách chờ mưa. Cũng vì thiếu nước nên bà Nangkri không thể trồng cây xen kẽ giữa hai vụ lúa. Nhưng cho dù cuộc sống khó khăn, bà Nangkri vẫn quyết định không bán ruộng. “Tôi rất sợ phải chia tay ruộng đồng. Đó là mảnh đất mà cha mẹ tôi để lại, tôi không có quyền bán nó”, bà lão nông dân khẳng định. Nhưng liệu bà Nangkri có thể chống chọi được đến bao giờ?

Theo ông Ketut Sumartra, một nhà trí thức Bali, tổ chức không gian sống ở Bali hiện phản ảnh sự thay đổi tầm nhìn của người dân Bali. Ở làng Kerobokan, người dân từ nơi khác đến, cả người nước ngoài lẫn những người Indonesia từ các địa phương khác, sống khép kín và không bao giờ tham gia các cuộc họp của làng. Các nghi lễ ở đền chùa không còn hoành tráng như xưa. “Thậm chí tinh thần của các nghi lễ cũng bắt đầu nhợt nhạt vì người dân đã thay đổi định hướng”, ông Sumartra khẳng định.

Các cộng đồng dân cư ở Bali ngày trước được phân bố rất hợp lý. Ở thượng nguồn có sekaa là các tập hợp dân làng quan tâm chăm sóc các hồ nước tạo ra từ núi lửa, và ở hạ nguồn có các bandega kiếm sống quanh các cửa sông và biển. Ở giữa sekaa và bandega là các subak - cộng đồng chịu trách nhiệm dẫn thuỷ nhập điền, phân chia nước cho các con kênh và sử dụng đúng mục đích. Ngày xưa, nước từ thượng nguồn và hạ nguồn không bị làm thay đổi dòng chảy. Ông Sumartra cho biết: “Trước đây, nước còn có chức năng tôn giáo và xã hội. Nước phục vụ cho rất nhiều đối tượng và vì lợi ích kinh tế chung. Chính vì vậy mà nó được quản lý bởi luật tập quán”.

Nhưng nay thì không còn sự phân công hợp lý này. Để mua một miếng đất án ngữ các kênh dẫn nước, người ta không còn cần đến chữ ký của subak hoặc của người có trách nhiệm. Những công trình như hai căn biệt thự gần miếng ruộng của bà Nangkri đang làm nghẽn dòng chảy các kênh tưới tiêu và gây ra tình trạng thiếu nước cho những cánh đồng lân cận. Các xung đột trong xã hội gia tăng từ đó. Cuộc sống của người Bali cũng vì đó mà đảo lộn.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị