Bài thuốc cho “Căn bệnh đô thị” ở các nước

Cập nhật 10/10/2013 14:19

Thời gian qua tốc độ đô thị hóa ở các nước thực hiện rất nhanh trong khi công tác quy hoạch không theo kịp, vì vậy đã nảy sinh nhiều tật bệnh được gọi là “Căn bệnh đô thị”. Căn bệnh này nói chung đều xảy ra ở hầu hết các nước, nhưng các nước đang phát triển và đang trỗi dậy bị nhiễm nghiêm trọng hơn.


Cuối tháng 9/2013 vừa qua, cuộc hội thảo quốc tế mang tên  “Căn bệnh đô thị và giải pháp sáng tạo khoa học thúc đẩy xây dựng đô thị mới” được tổ chức ở thành phố cổ Tây An, Trung Quốc. Hàng trăm đại biểu từ các nước, nhất là các nước đang phát triển và trỗi dậy trên thế giới đã tới dự.

Trong cuộc hội thảo này, đại biểu các nước cho biết hầu hết các nước đang trỗi dậy và đang phát triển, nhất là ở Châu Âu và Châu Á đều mắc căn bệnh này một cách nghiêm trọng. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí đanh giá hiện nay nhiều nước đang bị “Khủng hoảng đô thị”, thể hiện qua “Căn bệnh đô thị” với những triệu chứng như dân số tăng nhanh, ô nhiễm môi trường, tắc xe, giao thông ùn tắc, xe cộ dày đặc, bệnh viện quá tải, trường học thiếu, sự mất cân đối giữa thành thị và nông thôn,  công tác quản lý không theo kịp... từ đó dẫn tới những trở ngại cho phát triển đô thị lành mạnh, trật tự, thoải mái.

Ông Mezentsev, Tổng thư ký “Tổ chức hợp tác Thượng Hải” (SCO) nói: “Cuộc khủng hoảng đô thị diễn ra ở các nước hiện nay đã gây ra hàng loạt căn bệnh khó chữa, nhất là ô nhiễm môi trường, giao thông ùn tắc, dân số tăng vọt, sống chen chúc, bệnh viện quá tải, trường học thiếu hụt... từ đó làm xã hội không ổn định, phạm tội gia tăng. Những căn bệnh này đang đe dọa sự sinh tồn của con người  và cản trở sự phát triển của bản thân đô thị”.

Các học giả Trung Quốc cho biết một nguyên nhân quan trọng dẫn tới “Căn bệnh đô thị” ở Trung Quốc là do thiếu tổng thể quy hoạch, công tác quy hoạch chắp vá, nên thường bị phá vỡ, tiêu biểu là vấn đề dân số.

Theo quy hoạch trước đây, dân số thành phố Bắc Kinh phải khống chế ở mức trên dưới 15 triệu người mới đảm bảo sinh hoạt và cung cấp bình thường. Nhưng tới năm 2005, dân số đã tăng tới 15,38 triệu người, năm 2012 tới 20 triệu 600 nghìn người, chỉ trong 7 năm tăng trên 5 triệu người. Thành phố Thượng Hải năm 2012 tới trên 23,8 triệu người, tăng 330.000 người so với năm 2011. Thành phố Thâm Quyến khi tiến hành cải cách và lập Đặc khu kinh tế, dân số chỉ có 300.000 người, nhưng năm 2012 tới 10,54 triệu người, thành phố Quảng Châu chỉ trong chưa đầy 5 năm dân số từ 10 triệu lên gần 13 triệu người. 

Thành phố New York năm 1950 dân số chỉ có 12,3 triệu, nhưng năm 2010 tới trên 20 triệu người, thành phố Tokyo năm 1950 chỉ có 11,2 triệu người, nhưng năm 2010 tới gần 37 triệu người, thành phố New Dili (Ấn Độ) năm 2010 dân số đã tới gần 22 triệu người, thành phố Mehico năm 2010 tới trên 20 triệu người.

Hầu như tất cả quy hoạch về vấn đề dân số của thành phố đều bị phá vỡ. Các đại biểu Trung Quốc cho biết theo quy hoạch về dân số trong “Kế hoạch 5 năm thứ 10”, tới năm 2010 dân số của Thượng Hải khống chế ở mức 19 triệu người, nhưng năm 2010 đã tăng hơn 23 triệu người. Theo “Quy hoạch 15 năm từ 2004 tới 2020”, dân số thành phố Bắc Kinh năm 2020 chỉ ở mức 18 triệu người, nhưng năm 2010 dân số đã tới gần 20 triệu người, vượt chỉ tiêu tới 10 năm. Tình hình ở các nước khác, nhất là ở các nước có tốc độ đô thị hóa nhanh cũng giống như các thành phố ở Trung Quốc. Bởi vậy, Một số Thị  trưởng cho rằng trên thực tế quản lý thành phố hiện nay là cuộc “đánh vật với dân số”. Dân số tăng quá nhanh, phá vỡ các quy hoạch đã dẫn tới nhiều vấn đề bất cập của thành phố, từ đó “Căn bệnh đô thị” ngày càng trầm trọng.

Các đại biểu cho rằng sở dĩ dân số thành thị tăng nhanh, do một số nguyên nhân sau:

- Một là, quá trình đô thị hóa tiến hành với tốc độ qúa nhanh, giải phóng nhiều sức lao động ở nông thôn không có việc làm, vì vậy họ phải kéo vào thành phố để tìm việc làm. Ở Trung Quốc năm 2012 có tới 236 triệu người dư thừa ở nông thôn kéo vào thành thị kiếm việc làm.
- Hai là, cơ hội kiếm việc làm và mức thu nhập cao. Kết quả điều tra ở nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển có tốc độ đô thị hóa cao cho thấy, cơ hội kiếm được việc làm ở các thành phố nhiều hơn, có thu nhập cao hơn và có chất lượng sống cao hơn.

Tại Trung Quốc, năm 2012 Bắc Kinh tạo thêm tới 440.000 việc làm, Thượng Hải 500.000 việc làm chính thức, đó là chưa kể những việc tạp vụ, tạm thời trong khi các địa phương khác, nhất là vùng nông thôn sau thời vụ số lao động dư thừa tăng lên nhanh chóng lại không kiếm được việc làm, một số địa phương sau khi lên quy hoạch các khu công nghiệp, nông dân mất ruộng không việc làm cũng đổ vào thành phố kiếm việc.

Thu nhập ở đô thị cũng cao hơn, vì vậy hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đều tìm cách ở lại thành phố kiếm việc làm. Tại Thượng Hải, lương tối thiểu một tháng là 2.500 Nhân dân tệ, nếu cộng thêm các khoản thu nhập phụ khác có thể lên tới hơn 5.000 Nhân dân tệ, cao hơn nhiều so với các địa phương. Công trả cho những người làm tạp vụ cũng cao hơn ở nơi khác. Bởi vậy, dân chúng đều đua nhau kéo vào thành phố kiếm việc làm.

- Ba là, dịch vụ ở thành phố lớn cũng tốt hơn, trường học cũng nhiều hơn và tốt hơn. Các học giả Trung Quốc cho biết chi tiêu bình quân đầu người cho các dịch vụ ở Bắc Kinh năm 2010 là 18.892 Nhân dân tệ, cao hơn từ 3,5 lần tới 4 lần so với các địa phương khác như tỉnh Hà Bắc, tỉnh Sơn Đông, tỉnh Ha Nam. Cả nước có 50 trường đại học nổi tiếng thì ở Bắc Kinh tới 9 trường. Bệnh viện loại tốt cũng tập trung đông. Đây cũng là nguyên nhân làm dân chúng đổ về thành phố.

Để giải quyết những căng thẳng do “Căn bệnh đô thị” sinh ra, các nước đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có biện pháp “giãn dân ra ngoại thành” như xây dựng các thành phố vệ tinh. Năm 1993, Bắc Kinh đã xây dựng thêm 14 thành phố vệ tinh, 29 thị trấn mới và hơn 140 khu đô thị mới. Tuy nhiên, do quy hoạch không đồng bộ, thiếu các dịch vụ khác kèm theo như phưong tiên giao thông, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, điện nước cùng các phương tiện khác, nên không giải quyết được vấn đề căn bản.

Mỹ, Anh và một số nước công nghiệp phát triển khác giải quyết bài toán “giãn dân ra ngoại thành” khá thành công.

Thành phố New York (Mỹ) năm 1994 đã xây dựng thêm nhiều thành phố, thị trấn vệ tinh kèm theo nhiều giải pháp đồng bộ khác, nhất là giao thông rất thuận tiện, các trường học lớn, các bệnh viện trang bị hiện đại, các trung tâm thương mại. Ngoài ra còn quy định lương và thu nhập của sinh viên, viên chức ở ngoại thành cao hơn trong nội thành, chẳng hạn chi mỗi sinh viên học ở ngoại thành là 9.688 USD trong khi trong nội thành chỉ có 8.205 USD.

Thành phố Luân Đôn (Anh) sau khi thực hiện quy hoạch mở rộng ra ngoại thành đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cùng với mạng lưới giao thông rất thuận tiện và nhiều giải pháp đồng bộ khác, như trường học, bệnh viện, lương cao hơn. Cuộc sống hiện đại hóa ở ngoại thành không thua kém gì ở nội thành, thậm chí một số vùng nông thôn còn được ưu đãi hơn. Chính vì vậy, bài thuốc cho “Căn bệnh đô thị” về cơ bản được giải quyết.Những người tham gia hội thảo đều có chung quan điểm cho rằng “Căn bệnh đô thị” hiện ngày càng tăng ở các nước đang phát triển và nước có tốc độ đô thị hóa nhanh, nguyên nhân chủ yếu do vấn đề quy hoạch không đồng bộ và do chính sách không phù hợp, nên không thể chữa trị được căn bản căn bệnh này.

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm nhìn