Giải pháp này giúp ngành đường sắt có thêm doanh thu, tiết kiệm chi phí thuê kho bãi và thời gian vận chuyển hàng cho doanh nghiệp thương mại điện tử.
Tàu hỏa là phương tiện vận tải đường dài phổ biến nhất Ấn Độ.
|
Theo BI, Bộ Đường sắt Ấn Độ chuẩn bị cho các doanh nghiệp thương mại điện tử và chợ điện tử thuê các tòa nhà bỏ hoang gần với ga tàu để làm nơi chứa hàng. Lộ trình cụ thể vẫn đang được chính quyền thảo luận và mời các doanh nghiệp tham gia.
Nếu thành công, đây sẽ là ví dụ điển hình cho mô hình đôi bên cùng có lợi. Phía Bộ hưởng lợi nhuận từ việc thuê kho và vận chuyển. Các công ty sẽ tiết kiệm cả chi phí lẫn thời gian vận chuyển từ các kho khác tới ga tàu để chuyển phát. Tại Ấn Độ, đường sắt vẫn là phương thức vận tải, giao thông đường dài phổ biến nhất.
"Chúng tôi muốn trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ kho vận. Trên thị trường hiện tại, không ít công ty thương mại điện tử thiếu khả năng thuê kho bãi trong thành phố vì chi phí quá cao. Vì thế chúng tôi mời họ thuê những tòa nhà bỏ hoang cùng một số địa điểm khác để dựng kho và làm điểm nhận hàng", đại diện Bộ cho hay.
“Ngành đường sắt đề nghị một giải pháp có lợi cho thương mại điện tử bằng cách cho dựng điểm hàng ngay sát ga. Bằng cách này, ngành đường sắt cũng trở thành một phần trong chuỗi cung cấp dịch vụ kho vận đang phát triển", chuyên gia Jaijit Bhattacharya của KPMG nhận định.
Hiện tại chỉ có hãng bưu chính Ấn Độ (India Post) thuê địa điểm gần ga làm kho hàng.
Mỗi ngày đường sắt Ấn Độ có 19.000 tàu phục vụ 23 triệu người và 3 triệu tấn hàng hóa. Giới chức nước này từng ước tính, mỗi rupee chi cho ngành đường sắt hiệu quả sẽ giúp mang đến lợi ích kinh tế tương đương 3,3 rupee. Chính phủ cũng muốn chi 8.500 tỷ rupee (124 tỷ USD) cho tới năm 2020 để xây dựng các tuyến đường sắt mới cùng nhà ga hiện đại và tàu cao tốc. Trong đó, Ấn Độ dự kiến sẽ hiện đại hóa 400 sân ga, biến các sân ga thành trung tâm thương mại, hứa hẹn sẽ mang đến cơ sở hạ tầng chất lượng như sân bay.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress