Ảm đạm thị trường địa ốc châu Á

Cập nhật 16/08/2008 08:00

Từ đầu năm tới nay, thị trường bất động sản (BĐS) trong nước rơi vào tình trạng ảm đạm. Nhưng đây không chỉ là chuyện ở Việt Nam.

Do tác động chung bởi kinh tế tăng trưởng chậm, thị trường BĐS nhiều nước trong khu vực châu Á cũng bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo về thị trường đầu tư châu Á - Thái Bình Dương của Công ty CBRE, tại Nhật Bản, các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng đã hạn chế cho vay khiến các nhà đầu tư BĐS phải giảm thiểu nợ bằng cách bán ra và tạo nên một mặt bằng giá mới cho nhà ở, các BĐS ở vùng ngoại ô và lân cận.

Mặc dù vậy, giá BĐS có chất lượng cao và nằm ở vị trí tốt vẫn không thay đổi. Tại Singapore, thị trường BĐS có vẻ yên ắng hơn những năm trước.

Khá giống thị trường BĐS Việt Nam, những tháng đầu năm nay, thị trường BĐS Trung Quốc cũng nguội lạnh. Do khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, hầu hết các chủ đầu tư đều chỉ xây dựng một phần nhỏ trong ngân sách năm 2008 để theo dõi tình hình.

Tương tự như Việt Nam, chính sách kiềm chế tín dụng khiến các chủ đầu tư phải xem xét lại danh mục đầu tư của mình để phân bổ nguồn vốn hợp lý hơn.

Tại Hồng Kông, trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động đầu tư, các dự án thuộc lĩnh vực BĐS cũng bị giảm sút. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng, về lâu dài thị trường này vẫn thu hút đầu tư và sẽ nhanh chóng đi vào ổn định.

Điểm sáng nhất trong bức tranh BĐS châu Á có lẽ là Hàn Quốc. 6 tháng đầu năm 2008, thị trường BĐS Seoul vẫn nóng. Giá cho thuê văn phòng hầu hết vẫn giữ nguyên.

Tuy nhiên, do áp lực của lạm phát, lãi vay tăng cao nên thị trường nhà ở ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nếu như sức nóng của thị trường BĐS khu vực châu Á hầu hết tập trung ở khu vực cao ốc văn phòng cho thuê thì tại Thái Lan, do những bất ổn về chính trị nên đầu tư khu nghỉ dưỡng, các biệt thự ven biển lại thu hút giới đầu tư hơn là rót vốn vào thị trường Bangkok.

Mạnh mẽ nhất có lẽ là Ấn Độ với việc ra đời nhiều trung tâm thương mại mới. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đang chịu cảnh tăng giá công trình do quyền lợi của chủ đầu tư và giá vật liệu xây dựng tăng mạnh trong năm nay.

Như vậy có thể thấy, bức tranh BĐS của các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều nét tương đồng. Năm nay là năm khó khăn cho thị trường BĐS Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

Theo Thanh Niên