Có được đứng tên tài sản riêng khi kết hôn với người nước ngoài?

Cập nhật 23/04/2012 14:20

Tôi mang quốc tịch Việt nam, đã kết hôn với người nước ngoài. Hiện tôi có dự định mua một căn nhà tại Việt Nam. Tôi muốn được tư vấn những nội dung sau: 1. Có được phép mua nhà không? Nếu có, cần thủ tục gì?

Câu hỏi :

Tôi mang quốc tịch Việt nam, đã kết hôn với người nước ngoài. Hiện tôi có dự định mua một căn nhà tại Việt Nam. Tôi muốn được tư vấn những nội dung sau:

1. Có được phép mua nhà không? Nếu có, cần thủ tục gì?

2. Có được đứng tên tài sản riêng không? Nếu có, cần thủ tục gì?

Xin chân thành cảm ơn.


Kính gửi: Quý bạn đọc

Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vnCông ty Luật Giải Phóng xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Cafe Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:

I. Do bạn có kết hôn với người nước ngoài, theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung, nên để mua nhà ở tại Việt Nam thì ngoài việc đáp ứng các điều kiện của người Việt Nam mua nhà ở tại Việt Nam thì cần phải đáp ứng thêm điều kiện của người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Viêt Nam. Căn cứ khoản 4 điều 2 nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 có quy định thì chồng của bạn thuộc đối tượng được mua và sở hữu 1 nhà ở tại Việt Nam, nhà ở ở đây là căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại. Điều kiện để được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

- Chồng của bạn phải đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên.

- Không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thủ tục để mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam bạn có thể tham khảo điều 8 nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 : Điều 8. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Nghị quyết này và pháp luật về nhà ở.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở bao gồm:

a) Đơn đề nghị;

b) Bản sao các giấy tờ chứng minh tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 và đủ điều kiện quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này;

c) Bản chính hợp đồng mua bán, tặng cho, giấy tờ về thừa kế nhà ở;

d) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên bán, bên tặng cho, bên để thừa kế theo quy định của pháp luật về nhà ở;

đ) Biên lai nộp thuế, lệ phí.

3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định như sau:

a) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nộp tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở;

b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đủ giấy tờ thì có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể ngay cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ biết để bổ sung hồ sơ. Thời gian bổ sung hồ sơ không tính vào thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có giấy biên nhận về việc tổ chức, cá nhân đã nộp đủ hồ sơ, trong đó ghi rõ ngày giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở phải cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài mua, nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế nhà ở được uỷ quyền cho người khác làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

II. Trường hợp bạn muốn mua và sở hữu riêng nhà ở tại Việt Nam thì bắt buộc phải có cam kết của chồng bạn hay văn bản thỏa thuận của vợ chồng bạn với nội dung là nhà ở bạn mua và sở hữu là tài sản riêng của bạn. Khi đó trình tự thủ tục mua và sở hữu nhà ở được thực hiện như sau:

Bước 1: Các bên mua bán đến lập hợp đồng mua bán tại cơ quan công chứng (không phân biệt địa bàn), kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và giấy tờ tuỳ thân. Hợp đồng có thể được soạn sẵn hoặc do công chứng viên soạn.

Bước 2: Một trong hai bên nộp hồ sơ mua bán tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện

Trường hợp bán một phần nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thì phải kèm theo bản vẽ sơ đồ diện tích nhà ở, đất ở có thẩm tra của của cơ quan quản lý nhà ở nếu tại đô thị, có xác nhận của UBND cấp xã nếu tại nông thôn.

Bước 3: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có).

Bước 4: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

Bước 5: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

***

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn hoặc qua Tổng đài tư vấn 19006665

Trân trọng.

Chuyên mục Café Luật

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.


DiaOcOnline.vn