Tôi rất boăn khoăn khi mình mua nhà mà bên trong đã thay đổi so với sổ hồng thì có sang tên được không. Ngôi nhà hình chữ L - tầng 2, 3 bê tông cốt thép phía đuôi của chữ L khoảng 3mx2.75m là để trống như giếng trời (trong sổ hồng). Nhà có hai gác gỗ nhỏ phía trên vị trí bê tông cốt thép. Vào năm 2010, chủ nhà có xây thêm phần đúc giả phía đuôi chữ L nối với phần đúc thật bê tông cốt thép ở tầng 2,3 để làm phòng ngủ cho con trong khi phần đó là để trống bên trong sổ hồng và tháo dỡ hai gác gỗ.
Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vn và Công ty luật TNHH Đức An xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:
Căn cứ Điều 4 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, hành vi vi phạm của chủ xây dựng đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm. Trường hợp của bạn có 2 tình huống xảy ra: - Trường hợp 1: Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 02/2014/TT-BXD: “2. Việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không coi là hành vi xây dựng sai phép:
a) Thay đổi thiết kế bên trong mà không ảnh hưởng đến việc phòng cháy chữa cháy; môi trường; công năng sử dụng; kết cấu chịu lực chính hoặc kiến trúc mặt ngoài công trình;
b) Giảm số tầng so với giấy phép xây dựng đối với những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được phê duyệt.” Việc lấp ô thông thoáng hoặc tăng diện tích cầu thang (thuộc thiết kế bên trong công trình xây dựng là nhà ở riêng lẻ) mà không gây ảnh hưởng đến các yếu tố quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6 thì không coi là hành vi xây dựng sai phép. Trường hợp 2:
Khoản 2 Điều 2 Thông tư 02/2014/TT-BXD hướng dẫn cụ thể vấn đề này như sau:
“2. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì xử lý như sau:
a) Người có thẩm quyền lập biên bản theo Mẫu biên bản số 02 ban hành kèm theo Thông tư này và chuyển ngay đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình vi phạm. Trong thời hạn 05 ngày (đối với công trình không phải lập phương án phá dỡ), 12 ngày (đối với công trình phải lập phương án phá dỡ) kể từ ngày lập biên bản mà chủ đầu tư không hoàn thành việc phá dỡ công trình vi phạm thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này;
b) Đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Xây dựng, người có thẩm quyền lập biên bản theo Mẫu biên bản số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày lập biên bản, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình vi phạm phải chuyển hồ sơ lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, chuyển cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện.”
Tuy nhiên, Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP cũng quy định:
“9. Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.”
Điểm 2.1 Công văn số 2316/BXD-TTr hướng dẫn cụ thể vấn đề trên như sau:
“1. Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP chỉ được áp dụng đối với trường hợp khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.”
Như vậy, chỉ áp dụng Khoản 9, Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP đối với hành vi phải thỏa mãn tất cả các điều kiện: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Về thời điểm xác định hành vi vi phạm được phép áp dụng quy định này, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 9, Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP theo hướng quy định này chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành”.
Như vậy, nếu công trình xây dựng của bạn thuộc trường hợp xây sai phép nêu trên chủ đầu tư có trách nhiệm nộp phạt, sau khi nộp phạt, công trình đủ điều kiện sẽ được cho phép tồn tại.
***
Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn.
* Bạn đọc vui lòng gửi nội dung được ghi bằng tiếng Việt có dấu.
Trân trọng.
Chuyên mục Café Luật
DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.
Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.