Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu tại khu công nghiệp Hòa Bình. Ảnh: Lê Lâm/TTXVN. |
Hứa hẹn là một trong những ngành đem lại kim ngạch nằm trong top đầu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010, ngành gỗ đang chuyển mình với những con số xuất khẩu khả quan.
Bên cạnh đó, những khó khăn mới phát sinh đang đòi hỏi doanh nghiệp và các ngành chức năng phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa.
Kim ngạch tăng gần 35%
Số liệu thống kê của ngành hải quan, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm từ gỗ cả nước ước đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2009.
Hiện giá trị đơn hàng mà doanh nghiệp gỗ ký kết với các đối tác nhập khẩu ước đạt hơn 3 tỷ USD, tăng khoảng 320 triệu USD so với năm 2009 và đảm bảo có đơn hàng hoạt động đến hết năm 2010.
Đánh giá của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), dù giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang tăng nhưng ngay từ đầu năm hầu hết doanh nghiệp đã tranh thủ mua tích trữ nên sẽ ít bị ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
Sau 2 năm chịu đựng khó khăn, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang “thở phào” nhẹ nhõm và mơ về những năm tháng “huy hoàng” của 7, 8 năm về trước.
Ông Hoàng Cảnh, Phó Tổng Thư ký Viforest cho biết, lượng hàng các doanh nghiệp ký kết đảm bảo mục tiêu xuất khẩu của ngành trong năm nay hoàn toàn nằm trong tầm tay. Cụ thể, đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ tính đến hết năm 2010 tăng gần 10% so với năm 2009; nhiều thị trường truyền thống như Nhật Bản, Liên minh châu Âu… đã hồi phục với đơn hàng tăng cả về khối lượng lẫn trị giá.
“Doanh thu của không ít doanh nghiệp tính đến cuối tháng 6 đã bằng hoặc hơn cả năm 2009. Hội chợ quốc tế về đồ gỗ do hiệp hội tổ chức đã thu hút lượng doanh nghiệp đến tham quan đông gấp 3 lần năm trước. Ngoài ra, giá bán sản phẩm gỗ năm nay cũng tăng khoảng 3-5%, đã góp phần làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp,” ông Cảnh phấn khởi nói.
Chưa hết lo toan
Năm 2010 theo cam kết với WTO, thuế xuất khẩu các mặt hàng từ gỗ của Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế 10%. Cũng thời gian này, theo Luật Thuế tài nguyên cho gỗ tùy theo từng chủng loại sẽ bị áp mức giá thuế từ 10-40%.
Tuy nhiên, điều đáng lo là năng lực của chính các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi chỉ có 190/2.500 doanh nghiệp có chứng chỉ CoC (chuỗi hành trình sản phẩm) chế biến gỗ xuất khẩu vào 2 thị trường lớn là Mỹ và Nhật Bản.
Từ tháng 6/2010, Luật Lacey bắt đầu có hiệu lực và hiện các ngành chức năng đã yêu cầu phía Mỹ hỗ trợ và cập nhật thông tin hướng dẫn giúp doanh nghiệp thực thi.
Khi xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ vào thị trường này, doanh nghiệp phải khai báo rõ ràng nguồn gốc gỗ khai thác để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra doanh nghiệp phải cung cấp những thông tin chi tiết, trung thực về sản phẩm gỗ xuất khẩu cụ thể như hóa chất, hóa chất sử dụng trong các loại vải sử dụng trong đồ gỗ... theo một bản khai do phía Mỹ cung cấp và sẽ bị xử phạt nặng nếu phát hiện gian dối.
Theo Tiến sỹ Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Mỹ gắn thương mại hàng hóa với môi trường và coi như một “đạo luật” nhưng thực chất đây là rào cản phi quan thuế mới trong giao thương hàng hóa.
Bên cạnh đó thị trường xuất khẩu đồ gỗ sôi động đang đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Theo thống kê của Bộ Công thương, giá nguyên liệu gỗ cao su liên tục tăng trong các tháng qua với mức dao động từ 20-30%; giá gỗ nhập từ những thị trường chính như Mỹ, New Zealand cũng tăng 20-30%...
Đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2010, nhu cầu gỗ chế biến giấy và ván sẽ tăng hơn 40% và các loại gỗ như cao su, tràm bông vàng, bạch đàn sẽ đứng đầu nhóm tăng mạnh mẽ nhất.
“Hiện ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam phụ thuộc đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa bớt 'choáng' với giá nguyên liệu nhập khẩu tăng lại phải “gồng” mình cạnh tranh nguyên liệu gay gắt ngay trên sân nhà khi các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường thu gom nguyên liệu,” ông Cảnh nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Tin Tức