Xử lý chênh lệch giá xây dựng: vẫn đang tắc

Cập nhật 01/09/2008 13:00

Ngay từ trung tuần tháng 4, việc điều chỉnh giá nguyên vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng đã được Chính phủ ưu tiên giải quyết đối với các dự án...

Ngay từ trung tuần tháng 4, việc điều chỉnh giá nguyên vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng đã được Chính phủ ưu tiên giải quyết đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đảm bảo tiến độ thực hiện. Nhưng sau bảy tháng đầu năm, mức giải ngân chưa đến 30%.

Trong Văn bản số 546/TTg-KTN ra ngày 14-4-2008, Thủ tướng đã sớm cho phép điều chỉnh giá 13 loại nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động giá ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu.

Đối với các loại vật liệu khác không có trong danh mục thì chủ đầu tư xác định và báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch UBND tỉnh hoặc lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty quyết định.

Cũng theo văn bản này có thể tạm ứng tiền bù chênh lệch giá đối với khối lượng hợp đồng chưa thực hiện và tạm thanh toán 80-90% tiền chênh lệch giá đối với các hợp đồng đã thực hiện để tránh thiệt hại cho nhà thầu và không ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, dự án.

Những tưởng với các chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, tiến độ thực hiện các dự án, tiến độ giải ngân có thể thích ứng với cơn bão giá vật liệu xây dựng suốt trong thời gian qua. Nhưng thực tế không như vậy.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước bảy tháng đầu năm đạt xấp xỉ 48.000 tỉ đồng (bằng 48,6% kế hoạch năm), riêng tiến độ giải ngân các dự án loại này chỉ dưới 30% và theo lời ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nguyên nhân chính là do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư phải cân nhắc nhiều.

Trong số các bộ, ngành có mức thực hiện và giải ngân thấp là Bộ Xây dựng (mới đạt 19,2%) và Bộ Giao thông Vận tải (39,1%).

Dù Chính phủ đã có văn bản nêu trên để gỡ khó cho các dự án đầu tư nhưng việc thực hiện và áp dụng có quá nhiều vướng mắc.

Ông Lê Đình Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho hay Bộ Tài chính đáng lẽ chỉ là nơi cuối cùng kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, chỉ chấp thuận hay không chấp thuận khối lượng dự toán được duyệt thì nay lại phải có văn bản trình Chính phủ hướng dẫn, gỡ khó cho việc giải ngân các dự án, phần việc đáng lẽ do Bộ Xây dựng làm.

Một thực tế khác là Bộ Xây dựng đã có Thông tư 05 và 09 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh giá vật liệu xây dựng ngay sau khi Chính phủ có văn bản chỉ đạo nói trên vài ngày nhưng việc bù trừ giá trực tiếp cho các hợp đồng đang tắc.

Mới tuần trước, ách tắc này tạm được gỡ bỏ phần nào khi Bộ Xây dựng có công văn hướng dẫn cụ thể hơn, giải quyết chỗ vướng mắc nhất là thời điểm tính chênh lệch giá.

Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh cập nhật thông tin, công bố giá theo tháng và thời điểm tính chênh lệch để điều chỉnh là tại thời điểm nghiệm thu khối lượng hoàn thành do liên Sở Xây dựng - Tài chính thông báo hoặc theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ phù hợp với giá thị trường tại nơi xây dựng.

Thực ra, hướng dẫn của Bộ Xây dựng cũng không theo kịp tình hình và việc công bố giá theo tháng cũng quá trễ so với diễn biến giá thất thường hàng ngày.

Một nhà thầu lớn, hiện đang “đau khổ” với việc giải ngân các dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách than thở với PV là doanh nghiệp của ông đang tắc ngay từ những hướng dẫn nói trên.

Bởi, chủ trương Nhà nước thì có nhưng mỗi địa phương hướng dẫn một khác. Rồi từng dự án, từng công trình do đặc thù khác nhau lại có thêm những hướng dẫn khác nhau.

Tính từ khi có chủ trương đến khi ra đời được văn bản mất vài tháng. Và trong thời gian đó, các công trình hoặc tạm dừng hoặc thi công cầm chừng để đợi.

Chờ được báo giá của liên sở thì mỗi một dự án lớn có thể bị đội giá hàng chục tỉ đồng, nếu chỉ tính riêng giá thép tăng vài trăm đồng/ki lô gam.

Hơn nữa, Nhà nước chỉ bù giá những mặt hàng do Nhà nước quản lý, còn những mặt hàng ngoài danh mục quản lý phải có ít nhất ba báo giá của ba đơn vị mới được thanh, quyết toán hợp lệ.

Nhà thầu này còn nói thêm là ban quản lý dự án nào cũng đốc thúc nhà thầu làm cho kịp tiến độ công trình nhưng không ai dám duyệt các hóa đơn, chứng từ để giải ngân vì thực tế được điều chỉnh như kể trên là không nhiều.

Ấy là chưa kể trong tình hình chống lạm phát và cắt giảm đầu tư công như hiện nay, việc sử dụng đồng vốn ngân sách được Bộ Tài chính và Kho bạc nhà nước “soi” kỹ hơn nhiều.

Do vậy nhiều công trình chỉ thực hiện phần giải ngân trong hợp đồng thầu đã ký trước đó và không thực hiện phần điều chỉnh. Và đó là nguyên nhân tốc độ giải ngân các dự án chỉ mới đạt chưa đến 30% kế hoạch.

Chưa cho xử lý chênh lệch giá thiết bị nhập khẩu

Các văn bản, thông tư hướng dẫn của Nhà nước chỉ quy định xử lý chênh lệch giá vật liệu, chưa cho phép xử lý chênh lệch giá thiết bị nhập khẩu ở các công trình do biến động của giá ngoại tệ trong thời gian qua.

Đã có công trình phải nằm chờ phê duyệt do giá mua dây chuyền máy móc ở thời điểm tháng 6-2007 là 8,1 triệu đô la Mỹ nhưng đến thời điểm mua ngoại tệ để thanh toán cho việc nhập khẩu này, giá đã bị đội thêm hơn 10 tỉ đồng nữa.


Theo TBKTSG