Nhà máy xi măng Bút Sơn. Ảnh: Internet |
Mặc dù ngành xi măng Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước, và có khả năng xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia khác, nhưng những năm dư thừa sản lượng tiếp theo lại hứa hẹn những khó khăn bộn bề phía trước.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, sau năm 2011 tổng công suất xi măng Việt Nam sẽ là 120 triệu tấn, chưa kể một số dự án đang chờ được duyệt, đến năm 2015 mức tiêu thụ là khoảng 75 triệu tấn, năm 2020 là 100 triệu tấn và năm 2025 là 106 đến 110 triệu tấn – nên sản lượng thừa là điều được báo trước.
Cụ thể năm 2010 công suất toàn ngành xi măng là 65 triệu tấn, sản xuất 55 triệu tấn và nhu cầu là 50 triệu tấn. Năm 2011 công suất tăng thêm 5 triệu tấn, thành 70 triệu tấn, sản xuất khoảng 65 triệu tấn và nhu cậu là 55 triệu tấn. Năm 2012 công suất thiết kế ngành là 80 triệu tấn, sản xuất 75 triệu tấn và nhu cầu tiêu thụ là 62 triệu tấn.
Như vậy có thể thấy mỗi năm ít nhất dư thừa từ 5 đến 7 triệu tấn, trong khi các nhà máy vẫn chưa thế hoạt động hết công suất.
Bộ Xây dựng, sau khi đề nghị các tỉnh thành và chủ đầu tư ngừng đăng ký các dự án xi măng từ nay đến 2020, đã trình chính phủ đề án quy hoạch ngành công nghiệp xi măng mới, đồng thời để nghị giải quyết dự án sản xuất xi măng hỗn hợp Nghi Sơn tại TPHCM.
Theo quy hoạch, ngành xi măng sẽ chuyển đổi 20 dây chuyền xi măng lò đứng trước 2010, nhưng đến nay chỉ mới 7 dây chuyền chuyển đổi đi vào hoạt động, còn lại vẫn chưa có động thái gì, đồng thời quy hoạch mới đang trình chính phủ xem xét sẽ không cho phép đầu từ các dây chuyền dưới 2.500 tấn clinker/ngày, mà để đầu tư các dây chuyền lớn hơn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không đủ vốn, vì một dây chuyền như vậy có số vốn lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Tác động của nghịch lý thừa
Nước ta hiện có 12 nhà máy sản xuất xi măng lớn, chiếm 60% năng lực sản xuất của toàn ngành nhưng chỉ có 3 nhà máy đặt ở miền Nam. Nguyên nhân phân bố không đồng đều là các nhà máy đều đặt gần nguồn nguyên liệu chính là đá vôi để hình thành quy trình sản xuất khép kín, tiết kiệm chi phí, mà đá vôi lại có nhiều ở miền Bắc, Trung và các tỉnh cực Nam, và chính điều này dẫn đến một nghịch lý của xi măng: giá bán xi măng ở miền Nam cao hơn ở miền Bắc 20% do sự bất cân đối cung cầu về vùng miền.
Theo tiến sĩ Nguyễn văn Thiện, Chủ tịch hiệp hội xi măng Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2010 ở Việt Nam khoảng 50 triệu tấn, trong lúc sản xuất khoảng 55 triệu tấn, và công suất là 60 triệu, tuy nhiên sẽ xảy ra tình trạng dư thừa cục bộ ở miền Bắc và thiếu cục bộ ở miền Nam.
Chẳng hạn quý 2, 2008 thị trường phía Nam có sự biến động lớn, khi xi măng có giá từ 1.050.000 đồng/tấn đến 1.010.000 đồng/tấn thì giá bán lẻ tại TPHCM có lúc tăng lên 1.700.000 đến 1.800.000 đồng/tấn do lượng xi măng khan hiếm, các trạm nghiền cầm chừng vì thiếu nguyên liệu trong khi cung ứng từ miền Bắc vào không kịp vì thiếu phương tiện vận tải và giá vận chuyển tăng do xăng dầu tăng cao. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, và VICEM quyết liệt điều phối xi măng từ miền Bắc vào, nên sau một tháng thị trường mới ổn định trở lại.
Hiện tại, giá bán lẻ xi măng trên thị trường phổ biến ở mức 860.000 tấn đến 1050.000 đồng/tấn ở phía Bắc và 1,04 triệu đồng/tấn đến 1,36 triệu đồng/tấn ở phía Nam, tức thị trường phía Nam giá cao hơn khoảng 20% so với phía Bắc. Nguyên nhân được cho là do giá cước vận tải từ miền Bắc và miền Nam cao, phổ biến từ 330.000 đến 395.000 đồng/tấn, chỉ riêng xi măng Nghi Sơn là 160 đến 175.000 đồng/tấn do doanh nghiệp này có cảng nước sâu cùng đội tàu vận tải chuyên nghiệp.
Khó khăn phía trước
Dù mức tiêu thụ xi măng được dự báo sẽ vẫn tăng ở mức 10-11% trong 3 năm tới (2009 là 10,98%), thì với sản lượng dư thừa hiện tại cùng với các dây chuyền xi măng sắp hoàn thành đi vào sản xuất trong thời gian tới, ngành xi măng sẽ phải bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Theo một chuyên gia, kinh tế phân phối công nghiệp xi măng thế giới chấp nhận một thực tế là một nhà máy có thể sản xuất – kinh doanh có hiệu quả trong bán kính tiêu thụ khoảng 300 km đường bộ vì vận chuyển hàng đi xa với mặt hàng có tỉ trọng lớn mà giá trị thấp như xi măng sẽ phải chịu mức cước lớn.
Vì thế xuất khẩu bằng đường bộ chỉ có qua Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhưng thị trường Lào rất nhỏ, nhu cầu ít, hơn nữa thuế nhập khẩu xi măng vào nước này ngày càng tăng. Campuchia có hai nhà máy và nhu cầu nhập không đáng kể, hơn nữa lại thường nhập từ Thái Lan, trong khi Trung Quốc là cường quốc xuất khẩu xi măng, nên khó chen chân vào được.
Trong năm 2010 Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) dự kiến sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng, thế nhưng thị trường vẫn còn là một dấu hỏi, và con số này, theo một chuyên gia, là một con số đẹp trên giấy, và không hiệu quả về mặt kinh tế, như Thái Lan đã phải xuất khẩu xi măng giá rẻ nhiều năm qua để duy trì hoạt động của nhà máy và bảo đảm việc làm cho người lao động.
Tuy sản lượng tăng, nhưng trong thời gian tới ngành xi măng sẽ đứng trước những khó khăn cam go bởi giá đầu vào tăng trong lúc sản phẩm lại dư thừa, nên phải cạnh tranh với cả xi măng trong nước lẫn xi măng ngoại, trong đó khối xi măng lò đứng chịu nhiều áp lực nhất, sau đó là các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ. Việc đồng tiền Việt có xu hướng giảm so với đô la Mỹ cũng khiến cho các doanh nghiệp chịu tác động kép về các vấn đề nhập nguyên liệu. Năm 2009 dự kiến nhập 1 triệu tấn clinker, nhưng thực tế nhập lên 2 triệu tấn.
Hiện nay các doanh nghiệp xi măng lò quay bán sản phẩm bằng giá xi măng lò đứng, vì thế nếu các doanh nghiệp lò đứng vẫn giữ tỉ lệ tiêu hao than và điện cao như hiện nay thì sẽ không thể nào cạnh tranh nổi. giá than cao, giá điện cao, nhưng giá xi măng vẫn ổn định, vì thế một số doanh nghiệp lợi nhuận giảm 30% so với năm 2008.
Trong năm 2009 giá điện bình quân tăng khoảng 6,5% - 7%, trong lúc chi phí điện năng chiếm khoảng 18% giá thành sản xuất xi măng, đồng thời năm nay giá bán than cho các ngành sản xuất xi măng cũng sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường, với mức tăng 30% trong khi than chiếm 30% giá thành sản xuất xi măng. Giá than cám tăng nhiều lần: đầu năm 2009 là 920.700 đồng/tấn, tháng 12-2009 là 1.406.000 đồng/tấn, cùng với giá xăng dầu liên tục biến động trong khi giá xi măng lại ổn định.
Cũng trong năm 2009, sự trợ giúp của nhà nước từ việc giảm thuế 10% xuống còn 5% cùng với việc tăng giá bán của các nhà máy xi măng đủ để bù đắp các ảnh hưởng từ việc tăng giá. Thế nhưng, mức thuế ưu đãi sang năm 2010 không còn nữa, trong khi giá xi măng sẽ khó tăng do sản lượng thừa, cộng thêm giá than, giá điện, giá bao bì giấy và giá thạch cao đang rục rịch tăng, sẽ càng khiến cho cuộc cạnh tranh nội bộ của ngành xi măng càng thêm khốc liệt.
Vì thế, theo một chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ chú ý các giải pháp đầu tư công nghệ và quản lý để giảm định mức tiêu hao vật tư, năng lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG