Với lượng hàng tồn lên đến hàng triệu tấn, trong khi tương lai đầu ra chưa thấy khả quan thì năm tới sẽ có thêm 6,72 triệu tấn xi măng được tung ra thị trường. Điều này khiến áp lực cạnh tranh trong ngành vốn đã khó lại càng thêm khó…
Lượng tồn kho xi măng đã vượt ngưỡng 3 triệu tấn, năm tới lại có thêm 6,7 triệu tấn được tung ra thị trường
|
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2013 sẽ có 6 nhà máy xi măng với tổng công suất 6,72 triệu tấn sẽ đi vào hoạt động.
Đó là Nhà máy XM X18 công suất 1000 tấn/ngày tương đương ,035 triệu tấn/năm; Nhà máy XM 12/9 Nghệ An (XM Dầu khí) công suất 0,6 triệu tấn/năm; Nhà máy XM Trung Sơn – Bình Minh (Hòa Bình) 0,91 triệu tấn/năm; Nhà máy XM Hương Sơn 0,35 triệu tấn/năm; XM Mai Sơn (Sơn La) 0,91 triệu tấn/năm; XM Công Thanh 2 (Thanh Hóa) 3,6 triệu tấn/năm.
Trong tổng kết đánh giá hoạt động của ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tại Hội thảo "Vực dậy nguồn lực bất động sản diễn ra ở TP HCM", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Không chỉ có bất động sản mà các ngành liên quan như vật liệu xây dựng cũng đang điêu đứng".
Ông Nam cho hay, ngành sản xuất xi măng bình thường tồn kho trên dưới 1 triệu tấn nhưng tính đến tháng 6 là 3 triệu tấn, chưa tính tồn kho ở các đại lý. Vật liệu ốp lát tồn đọng khoảng 50 triệu mét vuông, tương đương trên 2 tháng sản xuất; kính xây dựng cực kỳ căng thẳng, tồn kho 5 tháng sản xuất và đang trong tình trạng rất nguy cấp; thép tồn kho 225.000 tấn. Trong tháng 6, một số nhà máy xi măng đã đóng cửa.
Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Ximăng Việt Nam - chính việc ồ ạt đầu tư theo phong trào là một trong những nguyên nhân đẩy các DN ximăng vào thế khó như hiện nay.
Mới đây, bộ Xây dựng vừa có báo cáo Ủy Ban kinh tế Quốc hội về tình hình sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng 8 tháng đầu năm. Theo đó, Bộ đề xuất Ủy ban kinh tế Quốc hội bổ sung các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, kính, gốm sứ xây dựng, gạch không nung) vào nhóm được hưởng hỗ trợ của Nghị quyết 13 và được khoanh nợ, giãn nợ.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí