Thay vì dùng xi măng gây ô nhiễm môi trường, các công trình xây dựng có thể dùng loại vữa mới vừa thân thiện với môi trường, vừa có khả năng chống cháy nổ rất cao...
Thay vì dùng xi măng gây ô nhiễm môi trường, các công trình xây dựng có thể dùng loại vữa mới vừa thân thiện với môi trường, vừa có khả năng chống cháy nổ rất cao...
Đó là công trình nghiên cứu "Một số tính chất của vữa polyme vô cơ sau khi nung đến 1000oC" của 4 sinh viên (Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Tuấn Tạo, Hoàng Trung Thông, Vũ Hoài Sơn), Trường Đại học GTVT Hà Nội. Công trình nghiên cứu này giúp nhóm sinh viên đạt giải nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2011.
Nhóm trưởng Nguyễn Quang Dũng cho biết, quá trình sản xuất vữa, bê tông polyme rất đơn giản. Quan trọng là tỷ lệ trộn thích hợp và có thể sử dụng máy trộn xi măng truyền thống để thực hiện. Cơ chế của chất kết dính mới này là quá trình polyme hóa các thành phần dioxit silic trong chất thải. Chất thải chủ yếu là tro bay nhiệt điện đã qua sơ tuyển bằng công nghệ thổi gió phân ly từ nguồn tro nhiệt điện thải của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương) để tạo ra lực dính kết, hình thành bộ khung vô cơ bền vững và có khả năng chịu lực.
Qua nghiên cứu, nhóm sinh viên nhận thấy, chất kết dính polyme hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế. Bởi nguồn nguyên liệu để sản xuất chất kết dính "xanh" này dồi dào, ước tính mỗi năm nhà máy nhiệt điện thải ra hàng triệu tấn chất thải. Giá cả của sản phẩm cũng không đắt hơn xi măng truyền thống (70% so với xi măng truyền thống) và hoàn toàn có thể đưa vào sử dụng cho tất cả các công trình xây dựng.
"Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh các dự án nhà cao tầng và đang ở giai đoạn đầu triển khai các dự án công trình hầm giao thông. Vì vậy, việc nghiên cứu các vật liệu xây dựng mới có khả năng chịu được nhiệt độ cao nhằm từng bước ứng dụng cho kết cấu công trình, nhất là công trình hầm là rất cần thiết để bảo đảm phát triển kinh tế. Hơn nữa việc tận dụng chất thải này là vấn đề cấp bách ở Việt Nam để bảo vệ môi trường sống, đồng thời thu lợi nhuận từ việc bán quota khí thải (ít nhất 25 euro/tấn)"- Vũ Hoài Sơn chia sẻ.
Hiện bốn chàng trai vẫn tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu để tìm ra ưu, nhược điểm của vữa, bê tông polyme và các phương pháp khắc phục. Hoàn thiện, nhóm sẽ quảng bá rộng rãi về một loại vật liệu xây dựng mới bảo đảm hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới