Vì sao nhiều dự án thép nằm ngoài quy hoạch?

Cập nhật 13/02/2009 08:45

Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 32 dự án thép, trong đó có 24 dự án do các địa phương cấp vượt thẩm quyền phá vỡ quy hoạch phát triển chung của ngành thép.

Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 32 dự án thép, trong đó có 24 dự án do các địa phương cấp vượt thẩm quyền phá vỡ quy hoạch phát triển chung của ngành thép.

Tuy nhiên, số dự án nằm ngoài quy hoạch sẽ không lên đến con số 32 nếu như ngay từ đầu các cơ quan quản lý nhà nước sâu sát hơn. Tạm dừng các dự án cũng khó mà đưa vào quy hoạch thì lại có thể dẫn đến khủng hoảng thừa về nguồn cung trong những năm tới. Chuyện đáng bàn ở đây là Luật thì đã có nhưng cách vận hành, thực hiện còn chưa nghiêm túc nên đã dẫn tới nhiều địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư vượt thẩm quyền. Nhiều người lo ngại, nếu như không có một biện pháp mạnh thì câu chuyện phát triển ngoài quy hoạch sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho các ngành điện, giao thông và đặc biệt là ô nhiễm môi trường.

Đến thời điểm này, 80% khối lượng Dự án khu liên hợp thép của Tập đoàn Hòa Phát, công suất 350.000 tấn thép/năm đã được thực hiện xong. Tuy nhiên, đây lại là dự án nằm ngoài quy hoạch của ngành thép, cho dù đã được địa phương cấp phép.

Hầu hết các dự án thép nằm ngoài quy hoạch đều có mức đầu tư dưới 1.500 tỷ. Vì vậy theo Luật Đầu tư, địa phương có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không phải xin ý kiến của cơ quan quản lý ngành. Tuy nhiên, theo Nghị định 16 và 112 hướng dẫn Luật Xây dựng, các dự án ngoài quy hoạch thì phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý ngành. Như vậy, đã có độ vênh giữa 2 văn bản pháp luật này và hiểu thế nào cũng được.

"Bộ Xây dựng quy định, ngoài quy hoạch thì phải có ý kiến của các bộ chuyên ngành nhưng các địa phương vượt thẩm quyền 24 dự án là vượt cấp, không đúng thẩm quyền", ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam nói.

Việc phá vỡ quy hoạch sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Theo bản quy hoạch ngành thép, dự báo đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ mới cỡ khoảng 20 triệu tấn/năm. Nhưng theo kết quả điều tra của Bộ Công thương mới đây, với các dự án đã được cấp phép, tổng công suất đã lên tới 60 triệu tấn, như vậy là gấp 3 lần so với nhu cầu thực tế.

Không chỉ "cung bỏ xa cầu", việc phát triển thiếu quy hoạch của ngành thép còn dẫn đến mất cân đối trong quy hoạch của nhiều ngành khác có liên quan như: điện, khai khoáng quặng sắt, vận tải và đặc biệt là ô nhiễm môi trường.

Với 32 dự án thép nằm ngoài quy hoạch, nhiều người đang liên tưởng tới các dự án mía đường, hay ximăng lò đứng, những dự án thất bại vì đầu tư thiếu tính toán và bỏ qua quy hoạch.

DiaOcOnline.vn - Theo VTV