Vật tư giảm giá - Công trình vẫn “ngoảnh mặt”

Cập nhật 16/03/2009 08:55

Giá vật liệu xây dựng (VLXD) các loại đang đua nhau giảm, nguồn cung lại rất dồi dào. Thế nhưng, có hiện tượng lạ xảy ra ngay giữa mùa xây dựng...

Giá vật liệu xây dựng (VLXD) các loại đang đua nhau giảm, nguồn cung lại rất dồi dào. Thế nhưng, có hiện tượng lạ xảy ra ngay giữa mùa xây dựng là hầu hết công trình vẫn “án binh bất động”…

Giảm giá, ngóng khách hàng


Vào thời điểm này năm 2008, khách hàng có nhu cầu mua VLXD trên địa bàn TPHCM phải chạy đôn chạy đáo, sốt vó lo từng bao xi măng, cây thép, viên đá, viên gạch… do nguồn cung khan hiếm, còn giá cả liên tục tăng chóng mặt. Trong đó, mặt hàng thép tăng trên 20 triệu đồng/tấn, xi măng trên dưới 100.000 đồng/bao nhưng vẫn khan hàng; cơ quan chức năng phải điều chi viện từ miền Bắc vào. Tuy nhiên, lúc này thời thế đã khác. Khách hàng bây giờ đúng là “thượng đế”, vì giá VLXD đã giảm từ 10%-50% mà “cầu” vẫn biệt tăm.

Mặt hàng thép sau nhiều lần giằng co tăng giảm để thăm dò thị trường, từ giữa tháng 2-2009, phải đành xuôi theo số phận. Đơn cử, sau các lần giảm giá trước đó, bước qua tháng 3, Tổng Công ty thép Việt Nam (VNSteel) văn phòng phía Nam tiếp tục có hai lần điều chỉnh giá, lần gần nhất giảm 300.000 đồng/tấn, đưa giá xuất xưởng thép cuộn còn 10,65 triệu đồng/tấn, thép cây nhỉnh hơn 11 triệu đồng/tấn.

Bước đệm này đã tạo đà cho giá thép bán lẻ trên thị trường xuống mức trên dưới 11 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu và địa điểm giao hàng; tức giảm trên 50% so với thời điểm năm ngoái. Theo các chuyên gia, giá thép sẽ còn giảm nhiều do áp lực trước nguồn thép ngoại nhập từ Malaysia, Indonesia và Thái Lan với mức giá bán lẻ thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Cùng với thép, các chủ cửa hàng VLXD khu vực TPHCM cho biết, mặt hàng gạch ống xây dựng loại tốt trước đây trên 1.000 đồng/viên, nay giảm còn 600-800 đồng/viên; loại thường dưới 500 đồng/viên. Cát, đá các loại giảm 10.000 đồng/m³, còn 200.000-210.000 đồng/m³. Các loại trang thiết bị vệ sinh, nội thất giảm bình quân 10%-40%, tùy loại.

Ngoại lệ trong đợt giảm giá VLXD lần này là xi măng, hiện vẫn giữ nguyên mức giá bình quân 64.000 - 68.000 đồng/bao tùy thương hiệu. Tuy giá VLXD giảm và nguồn cung dư thừa, nhưng chủ các cửa hàng VLXD lại suốt ngày ngồi “bó gối”… canh chừng hàng.

“Thông thường, bắt đầu từ giữa quý 1 hàng năm nhu cầu xây dựng công trình rất lớn. Do đó, chúng tôi thường phải huy động tiền để nhập hàng về trữ, nhưng năm nay ế ẩm quá, cả tuần mới có một hai khách hàng đến mua mấy thứ lặt vặt về sửa chữa công trình. Hàng mua về nhiều, không tiêu thụ được nên ban đêm cả chủ lẫn người bán hàng phải giăng mùng ngoài bãi VLXD để canh… trộm”, bà Đào Thị Dung, chủ cửa hàng VLXD Hoàng Dung, trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp rầu rĩ nói.

Qua những ngày thực tế, chúng tôi càng thấy rõ tình cảnh ảm đạm ở các cửa hàng kinh doanh VLXD. Vào thời điểm này năm ngoái, khó khăn lắm chủ cửa hàng mới tranh thủ được thời gian để nói chuyện với chúng tôi, nhưng năm nay, ở cửa hàng VLXD nào cũng vậy, chủ và khách có thể ngồi “tám” từ sáng đến trưa mà không bị khách hàng “quấy rầy”.

Tắc nghẽn tứ phía

Trên thực tế, trước việc giảm giá, nhu cầu tiêu thụ VLXD trong tháng 2 vừa qua có nhích lên khoảng từ 5%-10% nhưng chủ yếu tập trung ở các công trình trọng điểm như cầu, đường và công trình phúc lợi… được Chính phủ hỗ trợ tài chính qua khoản tiền 1 tỷ USD kích cầu đầu tư… Còn lại các công trình xây dựng cao ốc văn phòng, nhà ở tư nhân thì không thể hoặc chậm triển khai do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn.

Theo ông Nguyễn Hiếu, Giám đốc Công ty DV XD Địa ốc Hoàng Thế Kỷ (quận 7), hiện nay thị trường cao ốc văn phòng cho thuê đang ế, nguồn cung vượt cầu, do đó các kế hoạch đầu tư xây dựng mới đành phải gác lại. Mặt khác, “người dân đang đối mặt với giảm lương, mất việc do nhiều công ty làm ăn thua lỗ, phá sản. Ngân hàng thì chưa mặn mà với việc cho vay đầu tư hay mua chung cư, căn hộ khiến việc đầu tư xây dựng công trình càng khó triển khai”, ông Hiếu phân tích.

Nhiều người dân cho biết, qua báo chí, truyền hình hay tin các ngân hàng quảng cáo cho vay vốn dễ dàng, nhưng khi thực sự vào cuộc thì bị “vặn vẹo” đủ thứ thủ tục hoặc định giá tài sản thế chấp quá “bèo” nên khiến người có nhu cầu khó có điều kiện để mua vật tư, triển khai xây dựng công trình…

Theo nhận định chung của các nhà đầu tư và nhà thầu xây dựng, trước khó khăn của tình hình kinh tế cùng với diễn biến bất thường của thời tiết hiện nay, tình trạng trầm lắng trong lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục kéo dài, thời điểm cải thiện sớm nhất cũng phải từ cuối quý 2-2009.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện VSA đang tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp sản xuất thép và phôi thép nhằm kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về đề xuất tăng thuế nhập khẩu phôi và thép thành phẩm có nguồn gốc ngoài khu vực ASEAN. Theo đó, VSA sẽ kiến nghị tăng thuế nhập khẩu phôi từ mức 5% lên 17%, thép thành phẩm từ 12% lên 18% (các doanh nghiệp đề nghị tăng lên 20%).


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng