Mặc dù các nhà sản xuất ximăng, thép nói không tăng giá nhưng trên thực tế, người tiêu dùng vẫn phải mua hàng với giá khá cao...
Mặc dù các nhà sản xuất ximăng, thép nói không tăng giá nhưng trên thực tế, người tiêu dùng vẫn phải mua hàng với giá khá cao và luôn bị sức ép "coi chừng hết hàng".
Ba ngày qua, ông Trương Tân - chủ thầu xây dựng, doanh nghiệp tư nhân Minh Nam (Gò Vấp, TP.HCM) - đứng ngồi không yên khi ximăng đợi "dài cổ" vẫn không thấy giao.
Người bán lẻ tăng giá vô tội vạ
Ông Tân đưa ra bảng báo giá của một số đại lý cấp 2, 3 áp dụng từ ngày 26-4, nếu so với tuần trước, giá ximăng bán lẻ của Hà Tiên 1 khoảng 65.000-66.000 đồng/bao thì nay đã nhảy lên 70.000 đồng/bao; Holcim từ 65.000 đồng/bao nay cũng tăng lên 69.000 đồng/bao.
Đợt tăng giá này phần lớn các đại lý cấp nhỏ đều "đổ” cho chi phí vận chuyển và bốc xếp tăng cao. "Nếu trước đây, công bốc xếp chỉ khoảng 7.000 đồng/tấn thì nay phải là 10.000 đồng/tấn, phí chuyên chở từ 50.000 đồng/tấn thì nay 80.000 đồng/tấn" - ông Tân nói. Theo các chủ thầu xây dựng, đây là thời điểm "chạy nước rút" của các công trình dân dụng, đặc biệt là giai đoạn làm móng, đổ sàn nên nhu cầu ximăng tăng cao.
Ông Đào Đức Toàn, nhà phân phối ximăng của nhiều loại ximăng khác nhau thuộc loại lớn ở TP.HCM, cho biết hiện ông chỉ còn hai loại ximăng là Hà Tiên 1 và Holcim để đưa ra thị trường nhưng với số lượng cũng khá eo hẹp. "Các thương hiệu khác như Nghi Sơn, Chinfon, Cotec, Cẩm Phả... đều đã hết hàng mấy ngày nay, xe vận chuyển cũng không có” - ông Toàn nói.
Có lý do để tăng giá
Trong khi các đại lý bán lẻ tìm nhiều lý do để tăng giá thì các nhà máy lại không thỏa mãn nguồn cung đang tăng mạnh. Nếu như trước đây, mỗi nhà phân phối cấp 1 có thể được rót 1.200 tấn ximăng/ngày, bây giờ chỉ còn 400-500 tấn/ngày. Theo ông Toàn, tình trạng "kẹt" ximăng phần lớn đang rơi vào các công trình xây dựng dân dụng, thường đang trong giai đoạn "xây chạy cho kịp trước mùa mưa", còn các công trình lớn thì đang tạm án binh bất động do tình trạng bất động sản đang bị đóng băng cục bộ.
Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của một công ty liên doanh ximăng xác nhận hiện nguồn cung ximăng đang khá căng thẳng vì nhu cầu tăng ngoài dự đoán của doanh nghiệp. Tháng 4-2008, công ty này đưa ra thị trường 360.000 tấn, tăng ít nhất 40.000 tấn so với tháng trước. Hiện hầu hết các nhà máy ximăng đang chạy hết công suất.
Phó tổng giám đốc công ty liên doanh ximăng nói trên cho biết hiện nguồn clinke nhập khẩu từ Thái Lan cũng không ổn định nên cũng là bài toán khá khó khăn cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn clinke nhập khẩu. Ông này còn cho biết phương án nhập khẩu ximăng bột chưa chế biến cũng đã được một số doanh nghiệp tính đến nếu sản lượng không đáp ứng kịp nhu cầu trong tháng năm này, cũng chỉ nhằm mục đích hạ bớt "nhiệt" trên thị trường, cố gắng không để giá bán cuối cùng khi đến tay người tiêu dùng bị đẩy cao hơn nữa so với mức hiện tại.
Vì nguồn cung hạn chế nên dù một số đại lý cấp 1 cho rằng họ vẫn không tăng giá, như ximăng Hà Tiên 1 vẫn được giao ở mức 1.080.000 đồng/tấn (tương ứng 54.000 đồng/bao), đối với ximăng Holcim chừng 1.065.000-1.085.000 đồng/tấn (tương ứng 53.250-54.250 đồng/bao), nhưng giá đến tay người tiêu dùng vẫn cao hơn.
Không lo thiếu thép
Giá bán lẻ thép vẫn ở mức cao, nhưng theo ông Đỗ Duy Thái - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt, không có chuyện khan hiếm thép, thậm chí sản lượng tiêu thụ của một số doanh nghiệp còn giảm so với tháng trước. Theo ông Thái, có thể các đại lý cấp nhỏ đang cố tình làm khó người tiêu dùng, thậm chí còn đẩy giá lên cao, các doanh nghiệp sản xuất vẫn cung ứng thép cho công trình lớn bình thường. Hiện các doanh nghiệp sản xuất thép trong Nam, ngoài Bắc vẫn đang giao thép tại nhà máy ở mức dưới 16 triệu đồng/tấn như cam kết với Hiệp hội Thép VN (VSA) từ tháng 3-2008.
Mặt khác, lượng thép nhập khẩu tiếp tục đổ về, theo ước tính có thể lên đến 100.000 tấn trong tháng tư vừa qua với giá rẻ hơn thép trong nước 700.000 - 1 triệu đồng/tấn.
Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA, xác nhận mức tiêu thụ thép trong tháng tư đã giảm khoảng 100.000 tấn so với tháng trước, giữ mức 290.000 tấn trong phạm vi cả nước. Lượng phôi dự trữ hiện nay ước lên đến 450.000 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường đến hết tháng sáu. "Chúng tôi cũng đã cam kết với Chính phủ sẽ không tăng giá đến hết tháng sáu nên không có lý do gì các doanh nghiệp không bán thép ra, vì mùa mưa tại phía Nam cũng sắp đến" - ông Cường nói.
* Theo các doanh nghiệp, với nhu cầu tiếp tục tăng cao như hiện nay, ước tháng sau cao hơn tháng trước từ 15-20% (năm ngoái, mức tăng từ 10-12%), thì lượng cầu ximăng trong tháng năm - tháng cao điểm trước khi mùa mưa đến - vẫn tiếp tục căng thẳng.
* Người tiêu dùng vẫn chưa thể mua vật liệu xây dựng với giá hợp lý do các đơn vị trong ngành này không áp dụng phương thức bán hàng qua đại lý (bán theo giá do nhà máy quyết định) mà lại mua đứt bán đoạn. Vì thế những cửa hàng bán vật liệu xây dựng đã toàn quyền định đoạt giá bán vì trước đó họ đã phải trả đủ tiền để mua số hàng này.