UBND TP.HCM đề nghị xem xét đầu tư nút giao An Phú

Cập nhật 21/09/2019 14:15

UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) xem xét khả năng đầu tư dự án nút giao An Phú.

UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) xem xét khả năng đầu tư dự án nút giao An Phú.

Điểm nóng kẹt xe nút giao thông An Phú (quận 2, TP.HCM): thực trạng và giải pháp đề xuất - Đồ họa: VIỆT THÁI - T.THIÊN

Theo UBND TP.HCM, dự án nút giao An Phú (quận 2) đã được Bộ Giao thông vận tải và TP.HCM thống nhất đầu tư, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh.

Dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn dư JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) vay từ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây triển khai thủ tục đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, hiệp định vay vốn dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết thúc vào tháng 7-2021 nên việc sử dụng vốn dư để thực hiện đầu tư cho nút giao An Phú là không khả thi trong điều kiện đang thực hiện tái cơ cấu các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Để sớm triển khai thực hiện dự án, tránh kẹt xe cho khu vực nút giao An Phú, UBND TP đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, khẳng định có đủ khả năng sắp xếp vốn để TP.HCM triển khai đầu tư.

Theo UBND TP.HCM, nút giao thông An Phú, quận 2 là điểm đầu của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đại lộ Đông - Tây (nay là Mai Chí Thọ).

Sau khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành, lượng xe đi qua khu vực này rất lớn, tuy nhiên do chưa có cầu vượt hoặc hầm chui nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, dự án đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú gồm cầu vượt và hầm chui.

Cụ thể, xây dựng đường hầm chui 2 chiều (4 làn xe) kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại.

Tổng vốn đầu tư 1.047 tỉ đồng, trong đó sử dụng vốn vay dư của Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư xây dựng dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ