Trước cơn “sốt” thép xây dựng: Báo động hàng dỏm, giá rẻ!

Cập nhật 29/03/2008 09:00

Hiện nay, muốn có được khối lượng lớn thép do các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) sản xuất không phải là chuyện dễ...

Hiện nay, muốn có được khối lượng lớn thép do các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) sản xuất không phải là chuyện dễ, dù khách hàng chấp nhận mua với giá ngất ngưởng: 17,5-18 triệu đồng/tấn. Nhưng nếu khách hàng mù mờ về thép hoặc nhà thầu có “nhu cầu” sử dụng loại thép kém chất lượng do các tổ hợp sản xuất để đánh lận con đen nhằm tăng lợi nhuận vẫn có thể mua đủ khối lượng với giá khá lời tại nhiều cửa hàng kinh doanh thép.

Mua bao nhiêu cũng có

Trong vai người sắp xây dựng mấy dãy nhà phố để bán lại, chúng tôi ghé cửa hàng kinh doanh thép Thanh Bình nằm trên quốc lộ 22 (thuộc huyện Dĩ An-Bình Dương). Mới đầu, ông T. chủ cửa hàng một mực khẳng định chỉ bán hàng chính hiệu như thép Việt Úc, Việt Hàn (VPS), Vina Kyoei (VKS)… với giá 17,8 triệu đồng/tấn, nhưng nếu mua khối lượng lớn phải chồng tiền trước, trong vòng một tuần sẽ có hàng. “Bác tìm giúp em loại thép Trung Quốc hay tổ hợp trong nước sản xuất được không, thấy công ty anh bạn sử dụng cũng được, mà giá thấp hơn ngoài thị trường tới hai, ba chục phần trăm?” - tôi hỏi.

Thoáng nhìn chiếc Innova 7 chỗ của anh bạn tôi nhờ chở đi cùng, ông T. nói: “Hàng Trung Quốc chủ yếu là thép cuộn, cộng to nên dùng rất hao. Nếu chú xây nhà phố khoảng 2-3 tầng thì nên dùng thép tổ hợp. Loại này cũng tốt, có điều do các làng nghề sản xuất nên thời gian trước ít người chuộng. Nói vậy, nhưng khi thi công nên “độn” chừng 30%-40% thép của công ty liên doanh sản xuất cho chắc ăn!”.

Sau khi đưa cho chúng tôi bảng báo giá, ông T. cho biết thêm, tổ hợp sản xuất chỉ phổ biến các loại như thép cuộn phi 6-8 và thép cây phi 12-14, giá trung bình 14,5-16 triệu đồng/tấn, “riêng số lượng cứ… vô tư, mấy chú cần bao nhiêu cũng có” (!?).

Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ những khu vực đang có nhiều công trình xây dựng nhà ở dọc các tuyến đường ngoại thành như quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), quốc lộ 22 (quận 12, huyện Dĩ An - Bình Dương)… mới xuất hiện thép tổ hợp, mà ngay trong nội thành loại thép này cũng được bày bán công khai. Rảo một vòng và dò hỏi các cửa hàng kinh doanh thép ở đường Âu Cơ (quận Tân Bình), hương lộ 14 (quận Tân Phú), Phan Huy Ích (quận Gò Vấp)… ước có đến 90% cửa hàng bán thép tổ hợp.

Không đâu xa, ngay tại “chợ” vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10), hỏi 2 cửa hàng bán thép nằm gần góc ngã tư Lý Thường Kiệt và đường 3 tháng 2, các chủ cửa hàng đều trả lời tỉnh queo: “Cửa hàng chúng tôi chuyên bán lẻ thép tổ hợp”! Quả đúng như vậy. Có điều lạ là nơi đây mỗi cửa hàng chỉ bày chừng vài ba cuộn thép với khoảng 15-20 thép cây. “Nhìn thấy vậy, nhưng nếu khách hàng có nhu cầu xây nhà, cần vài chục hay cả trăm tấn thép đều được đáp ứng đủ!”, anh bạn đi cùng tỏ ra rất rành. Loại thép tổ hợp phổ biến nếu còn nguyên cây nguyên cuộn thường có ký hiệu như TIZZO 25, V 25… hao hao với chữ TISCO 25 của Công ty thép Thái Nguyên hay chữ V 25 của Thép miền Nam.

Không công khai như thép tổ hợp, thép Trung Quốc được các công ty nhập khẩu với lý do sử dụng làm que hàn, trong đó khoảng 70% là thép cuộn. Tuy nhiên, sau khi thông quan, nguồn thép này âm thầm đi thẳng vào các công trường xây dựng. Theo kỹ sư xây dựng Nguyễn Thanh Hùng (Công ty TNHH XD TM Hùng Cửu, Bà Rịa- Vũng Tàu), thời điểm này thép Trung Quốc nhập bao nhiêu hết bấy nhiêu, bởi các nhà thầu mua để trộn với các loại thép có thương hiệu mạnh nên rất khó nhận biết. Trong khi đó, giá thép Trung Quốc thường chênh lệch 300.000-500.000 đồng/tấn so với giá thép trên thị trường.

Khó kiểm tra, kiểm soát!

Mặc dù việc mua bán thép kém chất lượng đang diễn ra công khai và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng, nhưng sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng mới dừng ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”. Tại TPHCM, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Hành chính Chi cục Quản lý thị trường TP, qua kiểm tra thực tế thị trường, cơ quan này chưa phát hiện trường hợp nào kinh doanh thép tổ hợp hay Trung Quốc kém chất lượng.

Đó không phải là thông tin đáng mừng, vì như ông thừa nhận: “Thật ra, chúng tôi không có chức năng chặn xe, hay vào các công trường xây dựng để kiểm tra. Đó là chưa kể, việc kiểm tra tại chỗ khó phát hiện ra thép kém chất lượng. Còn lấy mẫu thép đi kiểm định thì cần thời gian và máy móc… Do đó, chỉ trường hợp có tin báo hoặc phát hiện đối tượng khả nghi mới kiểm tra”.

Trong khi đó, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết, tại khu vực phía Bắc, VSA vẫn thường xuyên phối hợp với Quản lý thị trường để kiểm tra việc kinh doanh thép kém chất lượng của các tổ hợp và đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp xe tải chở hàng đi phân phối. Tuy nhiên, số lượng thép tổ hợp kém chất lượng bị phát hiện cũng rất “khiêm tốn”. Đối với thép Trung Quốc, ông Cường cho rằng, số lượng nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2008 đến nay là không đáng kể! 

Theo Hiệp hội thép, trong tháng 3 lượng thép tiêu thụ cả nước ước đạt 340.000- 350.000 tấn, tăng 40% so với tháng 2. Riêng giá thép chưa gồm VAT và chiết khấu, giao dịch tại các nhà máy ở phía Bắc và phía Nam có mức cao nhất là 14,9 triệu đồng/tấn (của nhà máy thép Vinakyoei). Trong khi đó, giá thép bán trên thị trường ở mức 17,5-18 triệu đồng/tấn. Đối với thép nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) trong quý 1 gần 200.000 tấn. Hiện tại, có khoảng trên dưới 20 doanh nghiệp trung ương và địa phương, công ty TNHH tư nhân tham gia nhập khẩu và sản xuất loại thép chất lượng không ổn định.

Thép tổ hợp hiện sản xuất nhiều tại làng Đa Hợi (Bắc Ninh), Đà Nẵng và TPHCM. Nhược điểm của thép tổ hợp: thường có lằn giữa, dễ bị tách làm đôi, kích thước không đủ hoặc đầu thép không đồng đều, độ uốn kém, hay bị nứt rạn... Về giá cả, chênh lệch giữa thép tốt (thép thuộc VSA sản xuất) và thép tổ hợp khoảng 2-3 triệu đồng/tấn. Hậu quả sử dụng thép dỏm, thép không đủ trọng lượng là công trình xây xong một thời gian bị nứt tường, trần võng xuống...


Theo Sài Gòn Giải Phóng