Các đơn vị có dự án sản xuất xi măng đã được đưa vào quy hoạch hiện đang trong quá trình xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng phải làm báo cáo về tình hình đầu tư dự án...
Các đơn vị có dự án sản xuất xi măng đã được đưa vào quy hoạch hiện đang trong quá trình xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng phải làm báo cáo về tình hình đầu tư dự án gửi Bộ Xây dựng trước ngày 30/6.
Đây là nội dung trong công văn do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam ký ngày 16/6 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010, định hướng 2020.
Theo đó, các đơn vị có dự án sản xuất xi măng đã được đưa vào quy hoạch hiện đang trong quá trình xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng phải làm báo cáo về tình hình đầu tư dự án, các công việc đã hoàn thành, đang triển khai, các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và những kiến nghị cụ thể, nhất là các vướng mắc về thu xếp vốn cho dự án gửi Bộ Xây dựng trước ngày 30/6.
Hiện cả nước đang triển xây dựng 31 dự án xi măng lò quay với tổng công suất 39 triệu tấn. Như vậy, đến năm 2010, sẽ có 45 nhà máy xi măng lò quay đi vào sản xuất với tổng công suất thiết kế khoảng 60 triệu tấn. Chưa kể đến 6 triệu tấn xi măng của các trạm nghiền độc lập và 3 triệu tấn xi măng lò đứng.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong những năm gần đây ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, sản lượng xi măng sản xuất trong nước tăng với tốc độ cao. Một số dự án đầu tư xi măng đã được đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công, đưa dây chuyền vào sản xuất góp phần tích cực cho việc tăng nguồn cung xi măng...
Tuy vậy, trong tháng 5 vừa qua trên thị trường xi măng phía Nam nguồn cung đột ngột bị khan hiếm, dẫn đến tình trạng sốt giá xi măng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người dân và tiến độ thi công các công trình.
Theo đánh giá của các chuyên gia thị trường, sở dĩ xảy ra hiện tượng “sốt cục bộ” như vừa qua là do bất cập trong việc phân bổ đầu tư xây dựng các dự án mới. Hiện nay, các dự án mới được triển khai chủ yếu nằm ở một vùng từ Hà Nam đến Thanh Hoá dẫn đến nhiều khả năng miền Bắc thì thừa công suất, trong khi miền Nam thì thiếu, có khả năng phải nhập. Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu. Nếu cứ tiếp tục thế này đến năm 2010 Việt Nam sẽ thừa xi măng, nhưng có thể vẫn phải nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho rằng, việc rà soát tất cả các dự án, về công nghệ, về tiêu chuẩn môi trường, giá thành sản xuất là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cơ bản nhất vẫn nên tập trung rà soát tính hiệu quả của các dự án, trong đó chú trọng đến yếu tố giá thành sản xuất.
Theo VTC News