Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, nhiều công trình đầu tư bị cắt giảm, giãn hoặc hoãn tiến độ là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp...
Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, nhiều công trình đầu tư bị cắt giảm, giãn hoặc hoãn tiến độ là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép bị ứ đọng sản phẩm và có nguy cơ đình trệ sản xuất. Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, Chính phủ đã hạ giá thuế xuất khẩu phôi thép xuống 5%.
Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa giải quyết cơ bản tình trạng khó khăn của các DN sản xuất thép. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, do tình trạng tiêu thụ thép rất chậm, việc nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thép, phôi thép thua lỗ nên đến nay đã có 4 DN phải ngừng sản xuất; số còn lại sản xuất cầm chừng...
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”
6 tháng đầu năm 2008, lượng thép xây dựng tiêu thụ khá cao so với cùng kỳ năm 2007 và giá được đẩy lên hàng tuần. Theo đó, sản xuất thép đạt 1.966.416 tấn, tiêu thụ được 1.850.395 tấn. Với những con số trên, tiêu thụ thép trong nước được đánh giá là thị trường sôi động.
Kết thúc quý II-2008, cũng là thời điểm các DN rà soát xong và danh mục các công trình đầu tư bị cắt giảm, giãn, hoặc hoãn tiến độ theo mục tiêu kiềm chế lạm phát được công bố, đã đẩy nhiều DN thép vào tình trạng ứ đọng thành phẩm và phôi thép.
Hai công ty sản xuất phôi thép lớn của cả nước là Vạn Lợi, Đình Vũ đóng trên địa bàn TP Hải Phòng đều lâm vào tình trạng khó khăn do tồn đọng sản phẩm và trả lãi ngân hàng cao. Theo báo cáo của DN thép Đình Vũ, tính đến tháng 9-2008, đã tồn đọng khoảng 9.000 tấn phôi thép, trị giá 10 triệu USD và 45.000 tấn thép thành phẩm.
Đến nay, DN chưa ký được hợp đồng nào để tiêu thụ, trong khi mỗi tháng phải trả lãi suất lên tới gần 20 tỷ đồng (chưa kể những chi phí khác về kho bãi). Công ty Vạn Lợi, Việt Ý, Natsteel… cũng trong tình trạng trên.
“Hàng” ngoại lấn át, “hàng” nội
Do thuế suất thép cán và thép ống đang ở mức thấp (chỉ 2-5%), vì thế các DN đang có cơ hội tiêu thụ. Nhưng, phía nước ngoài lại đang thắt chặt việc nhập khẩu các loại thép thành phẩm, áp thuế nhập khẩu 25-40%, nên các DN đang phải cân nhắc việc xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, bên cạnh nguyên nhân về cắt giảm các công trình đầu tư, còn có nhiều nguyên nhân khác. Đó là do giá thép xây dựng trong nước tăng cao, nên thép cuộn Trung Quốc (phi 6-8) giá rẻ được nhập vào Việt Nam ồ ạt, bình quân 4 tháng đầu năm là 70.000 tấn/tháng, 8 tháng đầu năm là 352.707 tấn đã khiến cho thị phần thép cuộn trong nước đang từ 30% xuống còn 15%.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Những tháng đầu năm, giá thép thế giới và khu vực tiếp tục tăng cao, nhất là phôi thép đã chào bán tới 1.200-1.250USD/tấn. Trong khi đó, giá thép trong nước thấp hơn hàng trăm USD và khó tiêu thụ.
Do thông tin không đầy đủ, nên đã có những nhận định về thị trường khác nhau, dẫn đến tâm lý lo thiếu thép trong những tháng cuối năm. Bộ Tài chính quyết định tăng thuế xuất khẩu phôi từ 2% lên 10% (từ ngày 28-7-2008) và tiếp tục tăng từ 10% lên 20% (từ ngày 10-8-2008).
Bộ Công thương quyết định quản lý xuất khẩu phôi thép thông qua quy định thủ tục xin phép xuất khẩu tự động. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8-2008, một số nguyên nhiên liệu cơ bản có những biến động, đặc biệt là thép có mức giảm rất lớn, phôi thép chào bán vào Việt Nam từ 1.200-1.250 USD/tấn giảm xuống chỉ còn dưới 600USD/tấn.
Thị trường tiêu thụ thép trong nước rơi vào tình trạng ảm đạm, 4 DN phải ngừng sản xuất, còn lại sản xuất cầm chừng và hiệu quả sản xuất của các DN đều bị lỗ.
Giảm thuế xuất khẩu, tăng thuế nhập khẩu
Trước những khó khăn trên, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị có giải pháp tháo gỡ cho DN và cuối tháng 9-2008, Bộ Tài chính đã quyết định giảm xuất khẩu phôi từ 20% xuống 10%, xuống tiếp 5%. Tuy nhiên, các DN thép vẫn phải đương đầu với những khó khăn về việc đình, giảm các công trình xây dựng, trả lãi suất ngân hàng cao.
Vì vậy, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ tiếp tục hạ thuế xuất khẩu phôi xuống 2% và có lộ trình xuống 0%, hoặc Chính phủ xem xét lập quĩ dự trữ phôi thép; có chính sách tài chính ưu tiên cho các nhà sản xuất phôi thép và cho các công trình xây dựng nhằm giải quyết khó khăn về vốn, trên cơ sở đó tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu thép tiêu thụ trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tăng mức thuế nhập khẩu các sản phẩm thép hiện nay từ 8% lên 20% nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ các sản phảm thép trong nước. Được biết, tổng lượng thép sản xuất trong 9 tháng đầu năm đạt 2,59 triệu tấn; lượng thép tiêu thụ đạt 2,32 triệu tấn.
Số lượng thép thành phẩm nhập khẩu 9 tháng đầu năm cũng rất lớn, đạt 4,68 triệu tấn; lượng phôi thép nhập đạt con số 1,94 triệu tấn. Với lượng thép còn tồn hiện nay, có thể đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà không cần phải sản xuất thêm.
Ngày 16-10, Hiệp hội Thép Việt Nam chính thức gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công thương tiếp tục giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống 0%; đồng thời tăng thuế nhập khẩu thép xây dựng lên 25%.
Theo Hiệp hội Thép, trong bối cảnh giá phôi thép và các sản phẩm thép thế giới tiếp tục giảm như hiện nay do “cung” lớn hơn “cầu” rất nhiều, Hiệp hội không còn giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn ngoài việc đề nghị các cơ quan quản lý điều chỉnh thuế để “cắt lỗ” cho DN và bảo vệ sản xuất thép trong nước. Hiện, giá phôi thép thế giới đã xuống mức 540 USD/tấn (bằng1/2 giá phôi thời điểm tháng 7-2008) và tiếp tục có chiều hướng giảm.
Với giá thành sản xuất trong nước khoảng 800 USD/tấn và lượng phôi thép tồn đọng 540.000 tấn như hiện nay, chưa kể đến lãi suất ngân hàng, các DN sản xuất phôi thép lỗ trên 140 triệu USD do chênh lệch với giá phôi thép thế giới.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới