Thị trường ximăng, sắt thép: Hàng đầy kho vẫn lo thiếu…

Cập nhật 19/05/2008 11:00

Theo các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề, không hề thiếu ximăng và thép. Thậm chí với thép đang có những đợt xả hàng do người găm hàng...

Theo các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề, không hề thiếu ximăng và thép. Thậm chí với thép đang có những đợt xả hàng do người găm hàng tích trữ quá lâu. Một số doanh nghiệp kinh doanh phôi thép nay phải tìm cách xuất ngược trở lại vì... ế.

Trước đó các đại lý, nhà phân phối lấy lý do khan hàng đã đẩy giá lên cao. Nhưng nếu chấp nhận giá cao thì bao nhiêu cũng có hàng.

Ximăng: không thiếu hàng

Ông Mai Anh Tài, phó giám đốc Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1, cho rằng nhu cầu tiêu thụ ximăng trên cả nước năm 2008 ước tính mức tối đa khoảng 40 triệu tấn, hoàn toàn nằm trong khả năng đáp ứng của các nhà sản xuất ximăng trong nước. Theo ông Tài, nếu điều phối tốt thị trường trên tổng thể, cả nước sẽ không thiếu ximăng.

Tình trạng khan hiếm ximăng chỉ xảy ra một vài tỉnh ở khu vực phía Nam. Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ ximăng của một số công ty tại khu vực từ Bình Thuận vào đến Long An trong bốn tháng đầu năm tăng 12-14% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đến nay lượng ximăng đưa ra thị trường khu vực này đã tăng 22-25%, đạt trên 2,5 triệu tấn. Lượng tăng nhưng các đại lý vẫn kêu thiếu hàng để đẩy giá lên là không bình thường.

Theo ông Tài, chỉ tính riêng TP.HCM nếu thỏa mãn đủ nhu cầu, bốn tháng đầu năm 2008 các doanh nghiệp phải đưa ra thị trường khoảng 900.000 tấn, tăng 50.000 tấn. Nhưng thực tế trong số 50.000 tấn tăng thêm này, nhu cầu thực chỉ độ 20.000 tấn, còn lại 30.000 tấn là nhu cầu ảo - mua để trữ. "Mỗi người mua thêm một chút tạo cớ cho người bán đẩy giá lên" - cán bộ kinh doanh một công ty ximăng nói.

Một chủ thầu cho biết: "Nói khan hiếm nhưng điện thoại bất kỳ lúc nào cũng có hàng, miễn là chấp nhận giá cao". Nhận định này cũng phù hợp với thông tin từ các nhà máy ximăng rằng hầu hết đại lý đều đăng ký lượng mua gấp 2-3 lần so với bình thường.

Thép: đại lý đang "xả" hàng

Tương tự như câu chuyện của ximăng, thị trường thép sau thời gian "làm mưa làm gió" nay nhu cầu thép các loại đã giảm hẳn, trong khi mức giá vẫn ổn định. Thậm chí một số doanh nghiệp sản xuất phôi thép khu vực phía Bắc còn đang đề nghị được xuất khẩu mặt hàng này do giá phôi thép trong nước hiện đã giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Thép VN (VSA), sau ba tháng tiêu thụ đạt mức rất cao, trung bình 320.000 tấn/tháng, lượng thép do các nhà sản xuất bán ra trong tháng 4-2008 đã giảm đột ngột còn khoảng 250.000 tấn. "Nguyên nhân là do những nhà phân phối lỡ ôm hàng trong những tháng trước đây chưa tiêu thụ hết nay buộc phải xả hàng nên không mua thêm thép từ nhà máy" - ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch VSA, khẳng định.

Vẫn theo ông Nghi, thông tin thiếu thép trong thời gian qua hoàn toàn không chính xác. Hiện lượng thép thành phẩm và phôi thép tồn kho của các doanh nghiệp là 700.000 tấn, đủ dùng ít nhất trong hai tháng tiếp theo. Ông Mai Văn Tinh, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Thép VN, khẳng định: "Nguồn cung thép không có vấn đề gì. Nguồn phôi sản xuất vẫn bình thường nên nói khan hiếm là không có cơ sở".

Phân bón cũng vào đợt xả hàng

Một số loại phân như DAP giảm 1.000-3.000 đồng/kg. Các loại phân bón khác giảm nhẹ hoặc không còn tăng như trước. Theo một số đầu mối kinh doanh phân bón, việc Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí - nhà sản xuất và cung cấp phân bón chủ lực tại thị trường VN - quyết định chưa tăng giá bán urê Phú Mỹ kể từ ngày 12-5 là một yếu tố góp phần kiềm chế đà tăng của giá phân bón.

Ông Đào Đức Vũ - phó giám đốc Công ty phân bón Hoàng Lê - cho biết các nhà kinh doanh phân bón cũng phải giảm giá bán để giải phóng hàng, trả nợ ngân hàng. Nông dân giảm sử dụng phân bón cũng buộc các đại lý giảm giá bán. Ông Phan Đình Đức - tổng giám đốc Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí - khẳng định nguồn cung phân bón đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong vụ hè thu.

Cần xử phạt nặng hành vi đầu cơ

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng: "Trong xã hội có tâm lý phòng thủ, mua hàng để trữ. Đã đến lúc Chính phủ giải thích về điều này nếu không sẽ dễ xảy ra một dạng tin đồn như vụ giá gạo vừa qua". Theo bà Lan, khi người tiêu dùng còn mơ hồ trước những thông tin giá cả, doanh nghiệp cần một thông điệp rõ ràng, Chính phủ nên hành động ngay.

Còn theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đại học Kinh tế TP.HCM, mọi người cần có cái nhìn bình tĩnh: "Chính phủ nếu có điều chỉnh cũng có lộ trình chứ không thể đột ngột". Cũng theo ông Ngân, trong tình hình yếu tố giá cả vẫn còn chưa ổn định, Chính phủ nên duy trì việc kiểm soát giá đến khi tình hình ổn định. Chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ giá xăng, dầu và điện.

Ông Ngân cũng đề nghị: "Nhà nước cần đưa ra những qui định xử phạt thật nặng hành vi đầu cơ, tích trữ, gom hàng. Trong bối cảnh lạm phát thì những tội đó trở nên rất nặng vì làm ảnh hưởng chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước".

Tháng sáu, thị trường ximăng sẽ bình ổn

Nhiều doanh nghiệp sản xuất khẳng định thị trường sẽ bình ổn trở lại trong tháng sáu. Bên cạnh nguồn cung 30.000-50.000 tấn ximăng từ phía Bắc chuyển vào Nam để lấp vào nguồn cầu ảo, đồng thời công suất sản xuất của các doanh nghiệp cũng được bổ sung khoảng 12 triệu tấn ximăng từ các dự án đang chuẩn bị đưa vào hoạt động từ nay đến cuối năm.


Theo Tuổi Trẻ