Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và thời tiết diễn biến bất thường, các đợt mưa-bão dồn dập kéo dài khiến nhiều công trình đến nay vẫn bị ngưng trệ hoặc xây dựng cầm chừng. Nghịch lý xảy ra là sức tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) khá chậm...
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và thời tiết diễn biến bất thường, các đợt mưa-bão dồn dập kéo dài khiến nhiều công trình đến nay vẫn bị ngưng trệ hoặc xây dựng cầm chừng. Nghịch lý xảy ra là sức tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) khá chậm, sản phẩm tồn đọng nhưng giá lại không giảm, mà có chiều hướng tăng cao. Vì sao?
Giá cao, sức mua yếu
Nếu so với thời điểm đầu và giữa năm, bước sang quý 4 năm nay việc xây dựng các công trình có nhích lên, trong đó ngoài sự góp phần của các công trình trọng điểm như cầu, đường… còn có việc sửa chữa, xây mới những công trình hộ lẻ của người dân nhằm chuẩn bị đón tết.
Tuy nhiên, so với các năm thì việc xây dựng thời điểm hiện nay không đáng kể. Điều đáng lưu ý là sức tiêu thụ VLXD chỉ mới nhích lên nhưng giá một số loại như thép, cát, đá… đã “âm thầm” thiết lập mặt bằng giá mới khá cao so với trước đó. Cụ thể, giá thép sau thời điểm vụt lên trên dưới 20 triệu đồng/tấn, sau đó trở về mức dưới 9 triệu đồng/tấn, nay đã vượt 12 triệu đồng/tấn. Cát, đá và một số sản phẩm nội thất cũng có mức tăng tương ứng từ 20%-30% tùy chủng loại, thương hiệu.
|
Do sức tiêu thụ chậm nên nhiều công ty, đại lý cung cấp sản phẩm phải cử nhân viên trực tiếp đến tại các công trình xây dựng để tiếp thị hoặc bán giá ngang, thấp hơn giá chính hãng giao nhằm giữ mối. Có đại lý bán tháo sản phẩm để “hốt hụi chót” phần chiết khấu cuối năm từ các công ty sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Duyên, đang xây dựng căn nhà 1 trệt 3 lầu, diện tích 5x12m ở đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Lộc quận 12 cho hay, chỉ sau hơn một tuần động thổ đã có đến 4-5 nhóm nhân viên đến tiếp thị bán thép, gạch cho công trình. Nhưng xem bảng giá, hầu như nơi nào cũng bán giá cao hơn khoảng 1/3 so với đầu năm. Trong khi đó, các cửa hàng, đại lý cung cấp VLXD cũng gãi đầu bứt tai vì hàng tiêu thụ yếu nhưng các nhà sản xuất lại không giảm giá khiến sức mua càng chậm.
“Mỗi tấn thép mà các nhà máy giao cho chúng tôi hiện ở mức 11,6-11,75 triệu đồng/tấn, chưa có thuế 5%. Trong khi giá chúng tôi bán ra hiện là 12,2-12,3 triệu đồng/tấn, xem như là từ huề đến lỗ, nếu vận chuyển công trình xa. Do công ty sản xuất không giảm giá nên chúng tôi buộc phải lấy phần của công ty dành cho đại lý chiết khấu giảm giá ngược lại cho người tiêu dùng để cạnh tranh, bán được sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP Thép Hoàng Hùng, trên QL 22, quận Thủ Đức phân tích.
Tương tự, các sản phẩm gạch, cát, đá… sau khi lên giá cao cách đây hơn một tháng, đến nay dù sức tiêu thụ chậm nhưng giá không hề giảm. Theo các cửa hàng, đại lý cung cấp VLXD, các nhà sản xuất dùng dằng không giảm và kìm ở mức cao là để đón đầu mùa cao điểm xây dựng cuối năm như các năm trước đây.
Tuy nhiên, nếu hơn một tháng nữa tình hình xây dựng vẫn cầm chừng thì sẽ có một đợt giảm giá mạnh ở một số loại VLXD nhằm thanh lý hàng tồn kho cuối năm. Mặt khác, hiện nay nhiều sản phẩm như thép… từ các nước trong khu vực đang ồ ạt nhập vào Việt Nam, nếu các doanh nghiệp không giảm giá sẽ mất thị phần, đặc biệt là thép cuộn và các sản phẩm nội thất.
Cần sớm điều chỉnh giá hợp lý
Theo viện giải của các công ty sản xuất VLXD, mức giá niêm yết đưa ra thị trường hiện nay là “phù hợp” với tình hình biến động giá cả. Trong đó, tác động của giá nguyên liệu thế giới cùng với biến động tỷ giá ngoại tệ đã khiến giá bán một số mặt hàng VLXD nói riêng và các sản phẩm khác nói chung của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, đó là một cách bao biện của các doanh nghiệp sản xuất nhằm không điều chỉnh giá giảm, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Thật ra, từ trước đến nay các doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn có tâm lý đã tăng thì khó giảm. Đây là tâm lý “ăn xổi” của các doanh nghiệp và nếu không kịp điều chỉnh chắc chắn sẽ thiệt hại nặng khi hàng nhập khẩu đang có nhiều lợi thế tràn vào hiện nay.
Trở lại với các sản phẩm VLXD đang giữ ở mức cao, các chuyên gia kinh tế nhận định, ngành thép sẽ có nguy cơ mất cơ hội nhiều nhất nếu không điều chỉnh giảm giá kịp thời, trong khi lượng tồn kho còn khá lớn.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng thép sản xuất trong 9 tháng qua đạt 2,92 triệu tấn, tăng 0,32 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Hiện lượng thép thành phẩm tồn kho còn 150.000 tấn cùng với lượng phôi chuẩn bị cho sản xuất trong tháng 10 khoảng 450.000 tấn. Ngoài ra, trong tháng qua, có khoảng 43.000 tấn thép cuộn được nhập khẩu vào Việt Nam với giá bán rẻ hơn từ 500.000 - 700.000 đồng/tấn khiến tổng lượng thép tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 300.000 tấn, giảm 100.000 tấn so với tháng trước.
Trước thực trạng trên của thị trường thép, VSA đưa ra cảnh báo, với lượng thép ngoại nhập nhiều như hiện nay cùng với việc giá phôi thép trên thế giới đang có chiều hướng giảm, nếu trong thời gian tới các doanh nghiệp thép không tính toán đến việc giảm giá bán thì sẽ rất khó tiêu thụ được sản phẩm. Do vậy, ngay bây giờ các doanh nghiệp cần có biện pháp điều chỉnh giá bán hợp lý, đừng để người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm nội khi đã quen dùng hàng ngoại với giá “bèo” hơn
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng