Tháng 7, thị trường thép lại “nóng” lên. Các DN thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam đã hai lần điều chỉnh tăng giá bán. Trên thị trường, giá sản phẩm này đã...
Tháng 7, thị trường thép lại “nóng” lên. Các DN thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam đã hai lần điều chỉnh tăng giá bán. Trên thị trường, giá sản phẩm này đã đạt mức trên dưới 20 triệu đồng/tấn...
Giá tăng phi mã
Mặc dù lượng sản xuất và tiêu thụ thép tháng 7 đều thấp hơn so với tháng trước nhưng giá bán thép trên thị trường cả nước vẫn tiếp tục phi mã.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngày 23-6, Thủ tướng có thông báo kết luận về giá một số mặt hàng thiết yếu trong đó không có sản phẩm thép. Doanh nghiệp đã lấy đây làm cơ sở để điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý mà không phải xin phép.
Ông cũng cho rằng, phôi thép nhập khẩu cao hơn thép thành phẩm trong nước, công nghệ sản xuất lại chưa phải tiên tiến mà đòi hỏi doanh nghiệp bán giá thấp thì không thể được. Nhà sản xuất đã phải chịu đựng tình trạng này quá lâu.
Hiện nay, Tổng Công ty Thép Việt Nam được coi là “anh cả” ngành Thép, đảm nhiệm vai trò nhạc trưởng trong cung ứng hàng và điều phối giá, nhưng về thị phần theo công suất, Tổng Công ty Thép Việt Nam chiếm rất thấp, khoảng 20% song đã cố gắng đạt 30% thị phần tiêu thụ (hoạt động vượt công suất).
Lúc giá thép tăng cao nhất, Tổng Công ty Thép Việt Nam vẫn bán thấp hơn khoảng 2,5 triệu/tấn. Đến nay sau hai lần điều chỉnh, giá bán thép của các DN thuộc Tổng Công ty tại phía Bắc tăng thêm khoảng 1,5 - 1,6 triệu đồng/tấn, phía Nam thêm 2,7 - 2,9 triệu đồng/tấn.
Giá bán thép của các đơn vị sản xuất và liên doanh với Tổng Công ty Thép Việt Nam là: thép tròn đốt 16,854 triệu - 19,240 triệu đồng/tấn; thép cuộn 16,854 - 19,490 triệu đồng/tấn.
Nghịch lý
Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, chưa bao giờ lại xảy ra nghịch lý trong sản xuất và kinh doanh thép như lúc này, trong lúc giá thép bán trong nước chỉ tương đương với 1.100 USD/tấn thì giá chào phôi thép (nguyên liệu của ngành Thép) rất cao, khoảng 1.200 - 1.250 USD/tấn, tăng 150 USD/tấn so với thời điểm tháng 6-2008. Chính vì thế mới xảy ra hiện tượng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phôi ngược ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Tiến Nghi khẳng định việc xuất khẩu phôi và tái xuất nguyên liệu thép là hiện tượng không bình thường, bất đắc dĩ với các nhà sản xuất. Họ cũng nhận thức được rằng, điều này sẽ dẫn tới cạn kiệt nguyên liệu sản xuất vào những tháng tới.
Khi đó, thị trường sẽ thiếu thép, nhà sản xuất buộc phải nhập khẩu với giá rất cao và mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ không thực hiện được. Song, khi giá thép thành phẩm nội địa thấp, thậm chí có những thời điểm thấp hơn cả giá phôi nhập khẩu, họ buộc phải làm thế.
Cụ thể, sáu tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 380 nghìn tấn phôi, trong đó 200 nghìn tấn được tái xuất và 180 nghìn tấn sản xuất trong nước; khối lượng sắt kiện, cuộn cán nóng mà trong nước chưa sản xuất được phải nhập về cũng bị tái xuất 230 nghìn tấn...
Nhà máy Thép Đình Vũ là một ví dụ, do không vay được ngân hàng để trả tiền điện, lương công nhân nên họ buộc phải vay tạm bên ngoài với lãi suất cao. Bán phôi ra giá cao hơn, có USD ngay, có tiền quay vòng sản xuất.
Chủ động nguyên liệu sản xuất thép?
Để hoạt động, các nhà sản xuất phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu. Các doanh nghiệp phụ trợ cho sản xuất thép hầu như không có. Lâu nay, các nhà sản xuất thép nội địa mới chỉ gia công, làm phần ngọn, nên giá trị gia tăng thấp.
Song để xây dựng liên hợp khai thác, sản xuất quặng, phôi để cán thép thì cần vốn lớn, khoảng 5-7 tỉ USD, lại trong điều kiện nước ta không giàu quặng.
Mỏ quặng lớn nhất là Thạch Khê, Hà Tĩnh chỉ có trữ lượng khoảng 500 triệu tấn song chỉ khai thác được 350-370 triệu tấn. Mỏ Bảo Hà, Lào Cai, còn thấp hơn nhiều với 100 - 120 triệu tấn trữ lượng. Trước mắt, các nhà sản xuất vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu.
Thực tế, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã không đảm nhiệm nổi vai trò can thiệp về giá trên thị trường, vì thế mà thị trường thép dự kiến sẽ còn “nóng” trong nhiều năm nữa.
Muốn giảm bớt, phải có liên hợp để chủ động nguồn phôi nguyên liệu, đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ. Những nhà máy hiện tại lạc hậu, chi phí sản xuất cao, phải được từng bước hiện đại hóa và thay thế.
Theo ông Nghi, từ những khó khăn này, Hiệp hội Thép đã kiến nghị Thủ tướng: Thứ nhất, Nhà nước không nên kiềm chế giá theo kiểu hành chính, cứng nhắc mà nên để giá thép trong nước tiếp cận giá khu vực.
Thứ hai, một mặt Chính phủ kiềm chế giá song mặt khác phải phát triển sản xuất cho nên cần phân biệt “làm thật” với “làm giả” để có cơ chế cho doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng, mua USD một cách bình thường.
Thứ ba, đối với các công trình xây dựng cơ bản, nên dãn tiến độ, thậm chí ngừng những công trình không cần thiết song phải giải ngân, cho vay các công trình trọng điểm và cả điều chỉnh giá.
Cung ứng thép đủ nhu cầu thị trường đến hết quý III-2008
Theo Bộ Công thương, sản lượng thép cán cả nước 7 tháng đầu năm ước đạt 2,266 triệu tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Tuy vậy, do mức tiêu thụ thấp, các nhà máy phôi chạy hết công suất nên tổng lượng phôi và sản phẩm tồn đủ để cung cấp cho nhu cầu trong nước đến hết quý III-2008.
Theo Hà Nội Mới