Các năm trước đây, ngành thép trong nước lo ngại duy nhất một đối thủ láng giềng đáng gườm là Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nguồn...
Các năm trước đây, ngành thép trong nước lo ngại duy nhất một đối thủ láng giềng đáng gườm là Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nguồn thép của nhiều nước khác cũng ào ạt tràn vào Việt Nam với giá cực rẻ, khiến ngành thép trong nước lép vế ngay trên sân nhà.
Cuộc đổ bộ của thép ngoại
Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là ngoài lượng thép nhập khẩu quen thuộc từ Trung Quốc, đợt đổ bộ lần này còn có khối lượng lớn thép nhập khẩu từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Ngoài ra, thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nga cũng xuất hiện trên thị trường với giá bán nhỉnh hơn thép trong khu vực ASEAN khoảng 100.000 - 150.000 đồng/tấn (khoảng 9,2 - 9,5 triệu đồng/tấn), dù thuế suất nhập khẩu lên đến 12%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay lượng thép nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến. Tính sơ bộ, trong 2 tháng 1 và 2-2009, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam ước đạt khoảng 170.000 - 180.000 tấn với mức giá dao động quanh mức 400 USD/tấn.
Ngoài ra, lượng thép thành phẩm nhập về cũng lên đến hàng trăm ngàn tấn với mức giá chỉ trên dưới 9 triệu đồng/tấn, tùy loại. Tính riêng 15 ngày đầu tháng 2, lượng thép nhập về đạt khoảng 270.000 tấn, tăng hơn 25.000 tấn so với tháng 1.
Nhưng đến đầu tháng 3, đã có thêm khoảng 100.000 tấn thép cuộn nhập vào Việt Nam, trong đó lượng thép nhập khẩu vào phía Nam nhiều hơn phía Bắc do giá bán tại phía Bắc đang rẻ hơn phía Nam khoảng 200.000 đồng/tấn. Dù chưa có thống kê lượng phôi và thép thành phẩm của tháng 3-2009, nhưng hầu hết các ý kiến đều cho biết sẽ cao hơn so với hai tháng vừa rồi khoảng 25%.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong thời gian tới thép nhập khẩu sẽ còn tăng lên và giá có thể thấp hơn, bởi hiện nay thị trường thép bên ngoài vẫn ảm đạm. Trong đó, đáng lưu ý là thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc sau khi nước này hạ thuế xuất khẩu từ 15% xuống 0% đối với thép xây dựng.
Song song đó, Trung Quốc còn nới rộng việc quản lý bằng giấy phép đối với xuất khẩu thép để giúp cho xuất khẩu thép nước này thuận lợi hơn. Mục đích mà Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách ưu ái cho việc xuất khẩu thép là nhằm giải phóng lượng hàng tồn đọng thép lên đến 160 triệu tấn, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu thép giảm mạnh.
Một tác nhân nữa hết sức quan trọng là giá thép và phôi thép trên thế giới hiện tiếp tục duy trì ở mức thấp, với giá phôi thép chào bán tại Viễn Đông và Địa Trung Hải dao động quanh mức 300 USD/tấn. Và như vậy, tính ra thép thành phẩm nhập khẩu có thể còn thấp hơn cả phôi thép trong nước nhập khẩu hiện nay!
Cần giải pháp ứng cứu kịp thời
Dù được lợi thế “sân nhà” nhưng ngành thép đang gặp rất nhiều khó khăn cho đầu ra, khi mà giá bán của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cao hơn thép nhập khẩu từ ASEAN trung bình 700.000 - 800.000 đồng/tấn. Để giải quyết khó khăn trước mắt, vừa qua các doanh nghiệp trong nước buộc phải giảm giá hai đợt trong tháng 2 với tổng mức giảm là 800.000 - 900.000 đồng/tấn, song vẫn chưa cứu vãn được tình thế vì đầu ra sụt giảm mạnh.
Đơn cử, đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) trụ sở phía Nam cho hay, mức tiêu thụ của VNSteel ở phía Nam trong tháng 2-2009 đã giảm 20% - 25% so với cùng kỳ 2008 và giảm hơn 30% so với tháng trước vì thép ngoại.
Còn lý giải cho việc giá thép nhập khẩu rẻ hơn giá thép trong nước, một cán bộ VNSteel cho biết, do nền kinh tế các nước đều gặp khó khăn, công trình xây dựng – cầu, giảm, từ đó tạo ra cung dư thừa nên họ xuất khẩu bán tháo để thu hồi vốn. Mặt khác, chu kỳ đảo nợ ở các công ty nước ngoài đang đến nên buộc một số công ty thiếu vốn phải bán lỗ, bán dưới giá thành để lấy tiền trả nợ...
Thực tế trên cho thấy, cùng lượng thép nhập khẩu ào ạt giá rẻ hiện nay cộng với nguồn cung sắt thép tồn kho trong nước lên đến khoảng 200.000 tấn thép thành phẩm và gần 400.000 tấn phôi thép, trong khi mức tiêu thụ cả nước hiện chỉ nhỉnh hơn 200.000 tấn/tháng (tính chung tháng 1 và tháng 2, tiêu thụ thép chỉ đạt 433.475 tấn, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm tiêu thụ bình thường trên 300.000 tấn), thì nguồn cung đang dư thừa. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp thép cho hay, buộc phải giãn hoặc ngưng sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và doanh thu.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành thép trong nước, Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường cho biết, đang tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp sản xuất thép và phôi thép nhằm kiến nghị lên Bộ Công thương, Bộ Tài chính về đề xuất tăng thuế nhập khẩu phôi và thép thành phẩm có nguồn gốc ngoài khu vực ASEAN. Theo đó, VSA sẽ kiến nghị tăng thuế nhập khẩu phôi từ mức 5% lên 17%, thép thành phẩm từ 12% lên 18%.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng